Khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, trong thời gian ngắn nhất, một kịch bản ứng phó nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra được dựng lên bởi một "đội quân" thầm lặng, thậm chí họ còn đón đầu, lên kế hoạch tác chiến cho mọi tình huống ngay từ khi dịch mới chỉ bùng phát ở Vũ Hán. Họ là những chiến sĩ vệ sinh dịch tễ.
Tất cả các hoạt động giám sát, điều tra, cảnh báo, lấy mẫu xét nghiệm và sàng lọc thông tin từ các nguồn để phát hiện những nguy cơ xung quanh người nhiễm bệnh, giữ sự an toàn cho những người khác đều được thực hiện một cách gấp rút. Những nghiên cứu, báo cáo tổng hợp điều tra, kế hoạch tham mưu đã giúp ích rất nhiều cho Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, phần nào giúp cho dịch COVID-19 tại Việt Nam sau hơn 2 tháng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Liên tục trong những ngày qua, nhiều người Việt Nam từ ngoài trở về nước tránh dịch, công việc của các bác sĩ dịch tễ vì thế thêm áp lực, hành trình của họ tiếp diễn không ngừng khi từ 17 ca lên 34 ca, rồi hơn 90 ca dương tính với COVID-19 và không biết sẽ dừng ở con số bao nhiêu trong những ngày tiếp theo.
Những bước chân thầm lặng không biết đến bao giờ mới hết vội vã khi hành trình chống dịch COVID-19 vẫn chưa nhìn thấy hồi kết. Thế nhưng, họ luôn nhận nhiệm vụ với tâm thế đừng bao giờ đặt câu hỏi tại sao lại là mình, mà nhiệm vụ của mình là thế, đã nói đây là cuộc chiến thì cần những người lính sẵn sàng tiếp tục chiến đấu.
Xuất hiện tại đường băng của chương trình Cất cánh, bác sĩ Trần Anh Tú – Cán bộ dịch tễ, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chia sẻ phần nào thực tế công việc của mình và các đồng nghiệp trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đó là những cuộc họp không biết bao giờ mới kết thúc, là những ngày chiến đấu trường kỳ tại khu vực cách ly...
"Tôi may mắn được tham gia vào tổ công tác chống dịch COVID-19 tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, nhiệm vụ của chúng tôi là khoanh vùng cách ly y tế hơn 10.000 người dân trong 21 ngày, đó không phải việc đơn giản, bởi điều này chưa bao giờ xảy ra trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam nhiều năm qua".
"Khác với ổ dịch thông thường, chúng tôi chỉ thuần về chuyên môn, sử dụng các biện pháp y tế để chống dịch, dập dịch thì tại Sơn Lôi, chúng tôi còn phải lo tới vấn đề an sinh, an ninh y tế", bác sĩ Trần Anh Tú kể lại.
Bác sĩ Trần Anh Tú cho biết, từ ngày 28 Tết Nguyên đán, khi bùng phát dịch tại Vũ Hán (Trung Quốc), anh và các đồng nghiệp đã có những buổi họp làm việc liên tục, thời gian kéo dài từ sáng sớm tới tận tối muộn. Thậm chí, họ không có ngày nghỉ Tết để đáp ứng công tác chống dịch. Tới thời điểm hiện tại, với tình hình dịch diễn tiến phức tạp, thậm chí anh và các đồng nghiệp đã quen với việc thời gian làm việc kéo dài, có thể về nhà sau 21h là bình thường.
"Những kết quả xét nghiệm của bệnh nhân được thông báo sau 19h, chúng tôi cũng phải ở lại tới sau thời điểm đó vì cần trả xét nghiệm. Chúng tôi đã quá quen với việc này. Tôi nghĩ đó là trách nghiệm, nghĩa vụ và đôi khi chúng tôi thấy vui vì mình được sống vì cộng đồng", bác sĩ Trần Anh Tú tâm sự.
"Chúng ta có rất nhiều làn sóng dịch, mỗi làn sóng thì chúng ta cần có một con đê để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và sóng càng lớn, đê càng phải đắp cao hơn. Tôi tin với sự đồng lòng, đồng sức của ngành y tế cũng như các ban ngành và toàn thể nhân dân thì chúng ta sẽ ngăn chặn được dịch bệnh", bác sĩ Trần Anh Tú nói tiếp.
"Khi dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Nhưng với tinh thần ngăn chặn dịch COVID-19, chúng tôi sẵn sàng làm việc ngày đêm với tâm thế tốc độ quyết định tất cả, lúc nào cũng phải đi trước một bước, sẵn sàng lúc nào cũng có thể ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, với những kịch bản khó khăn nhất, vất vả nhất và quyết tâm nghĩ các phương pháp để hoàn thành nhiệm vụ".
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nỗi sợ riêng của mình. Bởi vì chúng tôi là những người trên tuyến đầu chống dịch nên khả năng bị lây nhiễm dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra. Mỗi cán bộ y học dự phòng, dịch tễ, xét nghiệm… đều tự ý thức về nỗi sợ như vậy. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết để mỗi người bác sĩ có ý thức phòng hộ cho bản thân. Điều đó không chỉ giúp chúng tôi không mắc bệnh mà còn để chúng tôi không có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh, lây nhiễm ra cộng đồng. Bởi khi chúng tôi đứng vững thì đất nước mới được bảo vệ, ngăn chăn dịch bệnh xảy ra".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!