Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua, Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi tới liên quan đến kiến thức về bệnh, cách phòng tránh để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước dịch bệnh; những hành động của Chính phủ, các Bộ, ban ngành địa phương và sự chung tay của toàn dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh….
"Gia đình tôi hiện đang ở một chung cư tại Hà Nội. Hàng ngày, mọi người trong chung cư đều sử dụng chung thang máy nên đây là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Làm thế nào để tránh được những nguy cơ lây nhiễm này khi dùng thang máy tại chung cư?", một câu hỏi được gửi tới từ độc giả.
Thực tế, theo nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại tối đa 3 giờ trong không khí, tối đa 4 giờ trên bề mặt làm bằng chất liệu đồng, tối đa 24 giờ trên bìa giấy cứng, tối đa 2 - 3 ngày trên nhựa và thép không gỉ. Trong khi đó, thang máy lại là một bề mặt kim loại có thể giúp virus SARS-CoV-2 tồn tại. Không gian công cộng này có lượng lớn người tiếp xúc vào nút bấm, không khí khó lưu thông.
Các chuyên gia khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang khi sử dụng thang máy. Ngoài việc tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm virus cần phải chú ý đến thói quen vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước khử trùng, đặc biệt sau khi ra khỏi thang máy. Không chạm vào miệng, mắt, mũi bằng tay trần.
Đối với những vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện,bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung... cần khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày.
Dưới đây là những khuyến cáo của Bộ Y tế dành cho người dân sống tại các khu dân cư:
1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt ngay sau khi về nhà.
2. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định.
3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; Không khạc nhổ bừa bãi.
4. Súc miệng, súc họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên.
5. Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
6. Thay và giặt sạch quần áo đi làm, đi chơi hoặc đến chỗ đông người ngay sau khi về nhà.
7. Hạn chế nói chuyện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt khi sử dụng cầu thang máy, cầu thang bộ.
8. Hạn chế đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.
9. Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Giữ khoảng cách trên 2 mét và đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc.
10. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hàng ngày bằng các dung dịch tẩy rửa thông thường. Đặc biệt là tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can.
11. Thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ; hạn chế sử dụng điều hòa.
12. Thu gom rác hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.
13. Tự theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì đeo khẩu trang; hạn chế tiếp xúc với mọi người; gọi cho đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095 để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
14. Thông báo ngay cho Ban quản lý/Ban quản trị/Ban đại diện chung cư nếu nghi ngờ có người thuộc diện phải quản lý sức khỏe hoặc cách ly.
15. Cập nhật thông tin hàng ngày về dịch bệnh COVID-19 trên các nguồn tin chính thống, cơ quan y tế địa phương; Không thông tin, tuyên truyền sai lệch về tình hình dịch bệnh COVID-19.
16. Thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của chung cư, cơ quan y tế địa phương.
17. Khi có trường hợp bệnh xác định, nghi ngờ mắc bệnh, cách ly tại nhà thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban quản lý/Ban quản trị/Ban đại diện.
Những độc giả có thắc mắc cần giải đáp có thể gửi câu hỏi tới Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam qua địa chỉ: bientapvtvnews@gmail.com
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!