Vì sao phóng sự thời sự lại ngắn?

P.V-Thứ ba, ngày 11/02/2014 17:29 GMT+7

VTV Online đã nhận được khá nhiều thư mong được giải đáp thắc mắc của khán giả về công việc hay chuyện hậu trường của những người làm truyền hình. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và tin tưởng của quý vị khán giả. Sau đây, xin được giải đáp thắc mắc của hai bạn Thu Hương ở Lạng Sơn và Nhật Anh ở Tuyên Quang xung quanh công việc của những người làm thời sự.

Hỏi: Xin được hỏi, một ê kíp làm tin tức, phóng sự truyền hình kết hợp làm việc với nhau như thế nào? (Thu Hương- Lạng Sơn)

Trả lời: Như bạn biết, truyền hình là sản phẩm của tập thể. Nhân sự của kíp làm việc tối thiểu là một biên tập và một quay phim. Biên tập chịu trách nhiệm về nội dung chương trình và dùng microphone phỏng vấn. Quay phim chịu trách nhiệm về các vấn đề kỹ thuật máy quay, ghi hình và chất lượng chương trình. Tuy nhiên, một ê kíp làm tin tức, phóng sự đầy đủ phải có thêm một kỹ thuật camera- người thiết lập các chế độ về âm thanh, ánh sáng để camera có thể ghi hình và thu âm đạt chất lượng tốt nhất.

‘ Ê kíp PV tác nghiệp tại hiện trường bão số 8/2012

Ngoài ra, kỹ thuật camera là người phải quản lý và khai thác kỹ thuật các thiết bị và phụ kiện đi kèm như: camera, ắc quy, sạc pin, micro, đèn, tấm lọc màu, boom… Cũng có khi đi kèm có thêm kỹ thuật âm thanh, là người chịu trách nhiệm đảm bảo mức ghi âm và phân loại tín hiệu âm thanh của các kênh khi ghi vào camera đạt chất lượng tốt nhất. Kỹ thuật âm thanh quản lý việc bố trí, khai thác kỹ thuật các thiết bị và phụ kiện đi kèm như: micro, audio mixer, boom.

Trên thực tế thì các ê kíp làm tin tức, phóng sự luôn phải phối hợp với nhau hết sức nhịp nhàng trong bối cảnh gấp gáp của guồng máy cập nhật tin tức nóng hổi cho khán giả truyền hình. Sự câu thúc về thời gian không cho phép họ chậm chễ hay thiếu chính xác khi vận hành máy móc, thiết bị. Nếu một khâu nào đó trục trặc thì sẽ ảnh hưởng đến thành quả của cả ê kíp. Và, các sự kiện như một dòng chảy bất tận, khi họ không chớp được những khoảnh khắc đắt giá cho tin tức, phóng sự của mình thì coi như tác phẩm của họ thiếu tính thuyết phục, không thành công. Do đó, ê kíp phải kiểm tra cẩn thận ngay từ khâu chuẩn bị thiết bị máy móc và suốt quá trình tác nghiệp phải tuân thủ khắt khe các yêu cầu về kỹ thuật.

‘ Nhóm PV tác nghiệp tại Palestine chỉ có 2 người

Hỏi: Tôi có một thắc mắc là tại sao độ dài của phóng sự thời sự lại rất ngắn (chỉ tầm không quá 2 phút), ngay cả khi phản ánh một sự kiện có vấn đề “nặng ký”, tại sao không kéo dài để người xem hiểu sâu hơn? (Nhật Anh- Tuyên Quang)

Trả lời: Có vẻ như là một nghịch lý khi những người làm thời sự có nguyên tắc phóng sự càng ngắn càng tốt? Một phút rưỡi- đó là khuôn khổ trung bình của một phóng sự truyền hình, ngay cả với những sự kiện quan trọng cũng không đi ra ngoài quy tắc này. Vậy làm thế nào để giải thích một cuộc khủng hoảng chính trị, một cuộc chiến, trong vòng có ngần ấy thời gian? Các phóng viên dĩ nhiên ý thức được lượng thời gian hạn hẹp đó nhưng họ cũng biết rằng dài hơn chưa chắc đã hiệu quả hơn. Vì thời gian là thế mạnh của truyền hình nhưng thời gian cũng là hạn chế lớn nhất của truyền hình. Bởi, khán giả không thể xem lại và nghe lại những gì vừa phát.

Thông tin còn có nghĩa gì khi khán giả không hiểu, khi đó công việc của phóng viên sẽ trở nên vô ích. Để khắc phục hạn chế này, khuôn khổ ngắn trở thành điều kiện bắt buộc. Vì không thay đổi được dòng thời gian nên người ta phải thay đổi cách xử lý thông tin cho phù hợp. Phóng sự ngắn có lợi thế là thu hút được sự chú ý, và nếu không thể nêu tất cả các chi tiết của sự kiện cũng chẳng sao. Điều quan trọng là phóng sự được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, cuốn hút khán giả. Các thống kê đã chỉ rõ, trong thời gian một phút, sự chú ý của người nghe sẽ giảm xuống nếu chỉ nghe thấy giọng của một người duy nhất. Đó chính là lý do vì sao độ dài của phóng sự nhất thiết phải ngắn như vậy.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước