Chào đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, anh có thể cho biết điều gì thôi thúc anh và ekip triển khai bộ phim VTV Đặc biệt về đề tài tìm mộ liệt sỹ?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tìm kiếm hài cốt liệt sỹ giống như việc ghép tranh mà nếu khuyết một mảnh ghép nào, dù nhỏ cũng không thể có một bức tranh hoàn thiện. Tôi thấy rất đúng! Tôi gặp trường hợp như thế này: tìm kiếm và khai quật được ngôi mộ tập thể, có hồ sơ chiến đấu nhưng không thể xác định danh tính hài cốt; hay trường hợp: hơn 53 liệt sỹ vốn đầy đủ danh tính, tương ứng với hơn 53 bộ hài cốt, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể xác định bộ hài cốt nào thuộc về liệt sỹ nào; công nghệ ADN vào cuộc nhưng cũng không có kết quả, vì mẫu xấu; rồi trường hợp 2 liệt sỹ: trùng tên, trùng quê, trùng ngày nhập ngũ, nhưng khác họ và tên đệm nhưng giờ cũng không thể xác định được chính xác danh tính; nhiều gia đình quật mộ lên đến lần thứ 3 vẫn không thể lấy mẫu; và rất nhiều gia đình mà máu xương của liệt sỹ đã hòa với đất mẹ.
Thời gian là kẻ thù của công cuộc tìm kiếm hài cốt và xác định danh tính của các anh hùng liệt sỹ. Mặc dù rất nhiều biện pháp được thực hiện, thậm chí ứng dụng công nghệ cao để xét nghiệm ADN nhưng mỗi ngày tháng trôi qua đồng nghĩa với việc: đối chứng, lắp ghép dữ liệu càng thêm khó, nhân chứng ngày càng ít, mẫu hài cốt ngày một xấu. Công tác xác định hài cốt – bước cuối cùng nhưng lại là khó nhất, gian nan nhất và nhiều éo le nhất, mà không phải ai cũng hiểu được. Đó chính là điều thôi thúc tôi thực hiện bộ phim này.
Tìm kiếm hài cốt liệt sỹ là đề tài không mới và đã được rất nhiều tác phẩm báo chí đề cập trong những năm qua. Điều đó mang đến cho anh cùng ekip áp lực như thế nào khi bắt tay vào triển khai VTV Đặc biệt "Đường về"?
Hai người mẹ liệt sỹ đã phải đưa ra quyết định đau xót khai quật mộ con để xét nghiệm ADN
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Với "Đường về", tôi không quá áp lực để đi tìm cái " mới" mà tôi chỉ đi tìm cái "riêng" cho bộ phim này vì mỗi câu chuyện về một liệt sỹ hay chặng đường tìm kiếm của thân nhân liệt sỹ đã là một câu chuyện riêng, không giống bất kỳ câu chuyện nào. Khó khăn lớn nhất chính là lựa chọn câu chuyện nào, vấn đề nào để đưa vào phim sao cho không bị trùng lặp với các bộ phim tài liệu trước đây đã làm? Chúng tôi chọn những câu chuyện thực tế đang diễn ra để ghi hình theo diễn biến của các sự việc... Bộ phim chỉ truyền tải lại đến khán giả. Đây cũng là ấn tượng mà tôi nhớ nhất.
Nếu như những đề tài lịch sử, khoa học… cần sự nghiên cứu chuyên sâu để am hiểu cội rễ vấn đề thì với những đề tài mang hơi thời đời sống, tôi nhận thấy điều quan trọng là thực sự mình phải sống với nhân vật. Với các đề tài đời sống khác, việc khó chỉ là làm sao để các nhân vật quen với sự xuất hiện của tác giả, họ không còn giữ ý khi bộc lộ cảm xúc hay quan điểm cá nhân. Một vấn đề nữa là làm sao để xóa đi khoảng cách? Thời gian vô cùng quan trọng để chúng tôi đi lại với gia đình, gần gũi; để các thành viên cảm nhận được rằng: chúng tôi cũng như thế hệ con cháu trong nhà.
Điều gì khiến anh quyết định lựa chọn câu chuyện éo le của hai bà mẹ liệt sỹ làm câu chuyện chính của bộ phim?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Với mong muốn gửi đến khán giả một bộ phim VTV Đặc biệt ý nghĩa nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi và ekip làm phim đã triển khai ghi hình, thu thập dữ liệu từ hơn hai năm trước. Tuy nhiên, trong quá trình này, nhóm sản xuất đã gặp phải một câu chuyện hy hữu khiến đề tài đột ngột đổi hướng.
Hai gia đình gặp nhau lần đầu sau khi biết có sự nhầm lẫn
Năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai liệt sĩ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ của anh tại đây và lập bàn thờ, thờ tự từ xa. Năm 2018, đến thắp hương tại mộ, mẹ Hinh mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay mà được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê ở Ninh Bình chuyển về xây cất tại địa phương. Câu chuyện éo le hy hữu này đã dẫn ê-kíp đến với bước ngoặt trong việc triển khai đề tài. Phần hài cốt trong mộ thực sự là ai? Là liệt sĩ Đinh Duy Tuân - con mẹ Hinh hay liệt sĩ Bùi Thanh Tuân - con trai mẹ Xuân? Làm thế nào để giải quyết tình huống này? Hai bà mẹ 83 tuổi đã phải đứng trước quyết định đau xót: khai quật mộ để xét nghiệm ADN.
Giám định viên lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sỹ
Ngoài việc nêu bật ý nghĩa về sợi dây bền chặt của tình cảm gia đình, VTV Đặc biệt "Đường về" còn muốn chuyển tải thông điệp gì tới khán giả?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ luôn gặp vô vàn khó khăn, nhưng ngay cả khi tưởng như tìm kiếm được rồi, để xác định được đó chính xác có phải phần mộ của người thân mình hay không, cũng là những thử thách đong đầy nước mắt. Theo thống kê, hiện nay có tới hơn 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt và còn tới hơn 300 nghìn mộ liệt sỹ còn khuyết thông tin. Khuyết thông tin ở đây có 2 dạng: một là không có hoàn toàn thông tin tên tuổi, nguyên quán hay ngày hy sinh, tên đơn vị; hai là: chỉ có một trong số những thông tin nói trên.
Mẹ liệt sỹ Bùi Thanh Tuân ra thăm mộ con
Đối với dạng khuyết thông tin thứ 2, hiện có 2 phương pháp được sử dụng để xác định chính xác phần mộ liệt sỹ: thứ nhất là thực chứng (đối soát tất cả các thông tin trên hồ sơ giấy tờ), thứ 2 là xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, cả 2 phương pháp này đều tiềm ẩn những rủi ro và những khó khăn. Với thời lượng 50 phút, "Đường về" ngoài việc nêu bật sợi dây bền chặt của tình cảm gia đình thiêng liêng của người Việt còn muốn nhắn gửi với những người làm công tác liệt sỹ: chúng ta có thể làm gì để "Đường về" của các liệt sỹ bớt gian nan; Với những gia đình thân nhân liệt sỹ: có trách nhiệm hoàn cốt lại đúng nơi ban đầu sau khi xét nghiệm ADN không trùng với huyết thống gia đình, đừng để một lần nữa thân xác các liệt sỹ bị chia lìa.
Chúng ta có thể làm gì để "Đường về" của các liệt sỹ bớt gian nan?
Ai cũng mong tìm được liệt sỹ của gia đình mình, mong được đưa về quê hương, được mồ yên mả đẹp. Đó là cái riêng. Nhưng khi điều kiện không thể thì mỗi gia đình lại biết nghĩ cho nhau, biết sống vì nhau, biết hy sinh cái riêng vì cái chung. "Không phải con nhà bà thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả" - đó mới là thông điệp chính chúng tôi muốn được gửi đến những gia đình chưa thể đón liệt sỹ trở về của hai mẹ liệt sỹ đã ngoài 80 qua bộ phim VTV Đặc biệt "Đường về".
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!