Xâm phạm nhãn hiệu VTV: Sử dụng sức mạnh truyền thông để bảo vệ quyền lợi VTV

Nguyễn Vân-Thứ sáu, ngày 01/06/2018 13:00 GMT+7

Một hiệu cầm đồ tại quận 9 TP.HCM đã tự ý lấy logo VTV

VTV.vn - Nhãn hiệu VTV đã được Đài THVN đăng ký bảo hộ trong nước và tại 36 quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, sự vi phạm nhãn hiệu VTV vẫn diễn ra khá phức tạp và nghiêm trọng.

Sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang khá phổ biến và phức tạp tại Việt Nam. Tại cuộc Hội thảo tại Đài THVN tháng 5/2018, Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, tính đến năm 2018 lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc trong đó cảnh cáo 68 vụ, phạt tiền 23.197 vụ với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 97 tỷ đồng, đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can, xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự). Tổng hợp lại cho thấy, có đến 98,37% vụ việc được xử lý bằng biện pháp hành chính và 1,63% xử lý bằng biện pháp tư pháp và kiểm soát biên giới. Chỉ cần search nhanh trên Internet cũng có thế nhận thấy tình trạng vi phạm sở hữu công nghiệp (SHCN) vẫn rất phổ biến. Rõ ràng, không phải các vụ vi phạm nhãn hiệu đều đã được xử lý nghiêm khắc và nhanh chóng, điều đó khiến cho các đối tượng chưa thật sự e ngại và run tay trước khi vi phạm.

Đối với Đài THVN, tình trạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng không ngoại lệ. Nhãn hiệu VTV đã được Đài THVN đăng ký bảo hộ trong nước và tại 36 quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, sự vi phạm nhãn hiệu VTV vẫn diễn ra khá phức tạp và nghiêm trọng. Tại Việt Nam, dễ nhận thấy nhất là tình trạng nhan nhản các xe ô tô dân sự "hồn nhiên" dán nhãn VTV chạy đầy đường. Chưa cần bàn về thiệt hại kinh tế nhưng hiệu ứng xã hội bất lợi cho VTV rất dễ xảy ra nếu có vi phạm pháp luật. Chỉ cần xe ô tô đeo Logo VTV gây tai nạn, chắc chắn người dân sẽ "điểm mặt, chỉ tên" Đài THVN phải chịu trách nhiệm. Sẽ không nhiều người bận tâm nghĩ xem việc xe biển trắng thì là xe dân sự, tức là không thể là phương tiện của Đài THVN với biển xanh với đầu số 80B hoặc 80A. Hồi tháng 5/2017, có trường hợp một chiếc ô tô đeo biển trắng của một doanh nghiệp truyền thông chạy ẩu, đâm bật cọc tiêu và lao xuống đồng ruộng. Doanh nghiệp này chẳng hề liên quan đến Đài THVN. Thế nhưng, cộng đồng mạng lại ồn ào lên án xe của VTV chạy ẩu, bất chấp pháp luật. Đơn giản là vì xe đấy dán logo VTV!

Chỉ cần search cụm từ VTV trên mạng Internet, hàng loạt trang web đang tự ý sử dụng logo VTV hiện ra. Thậm chí nhiều công ty đã tự ý sử dụng nhãn hiệu VTV để đưa vào thành tên công ty, như: Công Ty CP Thông Tin Và Truyền Thông VTV Việt Nam (tại Hà Nội), Công Ty CP Thương mại & Dịch vụ Máy Tính VTV (Hà Nội), Công Ty CP Công Nghệ Và Truyền Thông VTV, Công ty CP Thương mại và Truyền thông VTV (tại Hà Nội), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Truyền thông VTV (tại Q. Bình Thạnh, TPHCM), Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Kỹ Thuật VTV (tại Thủ Đức, TPHCM)... Đài THVN đã từng phối hợp với cơ quan thanh tra Bộ KHCN để buộc gỡ bỏ cụm từ VTV ra khỏi tên các công ty và bước đầu đã có kết quả ít nhiều. Nhưng quá trình này thực sự mất thời gian và tốn công sức. Có vẻ đang tồn tại sự "chênh" về quan điểm giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan chuyên ngành về sở hữu trí tuệ.

Sự "tùy tiện, bừa bãi" trong ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân là nguyên nhân nảy sinh tình trạng xâm phạm nhãn hiệu VTV. Nhiều trường hợp xâm phạm nhãn hiệu VTV một cách thô bạo và nực cười khó tưởng tượng nổi. Chẳng hạn như trường hợp một số hiệu cầm đồ tại quận 9 TP.HCM đã tự ý lấy logo VTV để đưa vào biển hiệu của mình.

Với những trường hợp vi phạm logo VTV, theo đúng quy trình VTV phải tập hợp hồ sơ, kiến nghị Thanh tra Bộ KHCN xử lý hành chính, sau đấy buộc doanh nghiệp gỡ bỏ dấu hiệu vi phạm. Quy trình này rất mất thời gian và tốn công sức. Với tình trạng xe ô tô tư nhân đeo logo VTV đầy rẫy ngoài đường, việc tự ý gán logo trên các biển hiệu hoặc xuất hiện nhan nhản trên mạng Internet, Đài THVN sẽ không thể xử lý nổi nếu chỉ thuần túy áp dụng cách thức truyền thống.

Từ thực tế xử lý các vụ vi phạm nhãn hiệu VTV nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ của Đài nói chung, có thể thấy công tác truyền thông đóng vai trò quyết định. Chẳng hạn đối với vụ việc tiệm cầm đồ tại TP.HCM tự ý đưa logo VTV. Nếu áp dụng phương pháp xử lý thông thường là gửi công văn đề nghị Thanh tra Bộ KHCN xử lý, thường quy trình sẽ mất 2-3 tháng và tốn nhiều công sức đeo bám của đội ngũ pháp lý VTV. Tuy nhiên, khi VTV đưa vụ việc lên truyền thông, chỉ cần 1 buổi chiều đã xử lý xong. Cửa hàng vi phạm đã ngay lập tức gỡ biển vi phạm trong vòng 3 giờ đồng hồ kể từ khi đội phóng viên VTV24 vào cuộc. Sử dụng biện pháp truyền thông cũng thể hiện rõ hiệu quả cao đối với các trường hợp xử lý xâm phạm bản quyền các chương trình của Đài THVN giai đoạn 2017. Mức xử phạt 20-30 triệu đồng mà cơ quan thanh tra chuyên ngành áp dụng với các trường hợp vi phạm bản quyền của VTV sẽ khó mà răn đe các chủ thể vi phạm. Nhưng chỉ cần VTV "tỏ ý" có động thái truyền thông vụ việc rộng rãi thì sự vi phạm lập tức chấm dứt. Trong quá khứ, VTV ít khi sử dụng hình thức này vì "ngại" mang tiếng lạm dụng thẩm quyền báo chí cho chuyện "cá nhân".

Quyền SHTT là quyền dân sự và mỗi chủ thể có trách nhiệm đầu tiên trong bảo vệ quyền của chính mình. Việc thụ động, chỉ trông chờ vào động thái xử lý của cơ quan chức năng sẽ không phải là giải pháp hiệu quả. Trong "tay" của VTV có cả báo hình, báo viết và báo điện tử VTV News. Đã đến lúc, Đài THVN phải sử dụng sức mạnh truyền thông để bảo vệ tối đa quyền lợi VTV. Việc sử dụng nhuần nhuyễn từng loại hình báo chí sẽ có góp phần tối ưu hóa công tác phòng chống vi phạm SHTT của VTV. Đây sẽ là "lời giải" phù hợp cho "bài toán" vi phạm SHTT đang nhức nhối trong xã hội nói chung và của Đài THVN nói riêng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước