Cơ duyên nào đã đưa chị đến với chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa vừa qua?
Trong tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp và trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, được đến vùng biển Hoàng Sa tác nghiệp là mong muốn của rất nhiều phóng viên trong nước và nước ngoài. Với đặc thù của Ban Truyền hình Đối ngoại VTV4 là một kênh truyền hình có nhiều ngoại ngữ và đối tượng khán giả là kiều bào xa Tổ quốc, lãnh đạo Ban đã quyết định cử một nhóm phóng viên đi cập nhật tình hình, tin tức tại Biển Đông một cách khách quan, kịp thời nhất. Do biết tiếng Trung và đã tham gia công tác làm bản tin Thời sự của VTV4 hơn 3 năm, tôi được giao nhiệm vụ đi tác nghiệp và dẫn hiện trường bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung.
Là phóng viên nữ duy nhất trong đoàn tác nghiệp của VTV, chị có cảm thấy lo sợ khi phải đi tác nghiệp tại một điểm “nóng” như Hoàng Sa?
Dù đã chuẩn bị trước tâm lý là sẽ ra Hoàng Sa tác nghiệp nhưng lịch đi bất ngờ và gấp gáp do phải đảm bảo tính bí mật thông tin từ phía Cảnh sát biển Việt Nam nên mọi công tác chuẩn bị đều diễn ra rất nhanh chóng. Điều tôi lo lắng nhất cho chuyến đi đó là phải làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dù là nam hay nữ thì mục đích chung duy nhất đó là hiệu quả của công việc. Tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi được đến với Hoàng Sa.
Và đó hẳn là một chuyến tác nghiệp rất khó quên đối với chị?
Do tàu khởi hành vào ban đêm nên sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, mọi người đã thấy mình lênh đênh trên biển. Ấn tượng đầu tiên là cảm giác say sóng khiến trời đất chao đảo. Tuy nhiên, ngay khi có thông báo rằng tàu đang ở khu vực có tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, tất cả anh em phóng viên lập tức ùa lên buồng chỉ huy để tác nghiệp. Giữa biển khơi mênh mông chỉ có nước, trời, mây và những con tàu cùng tiếng loa phát thanh truyền đi từ tàu Cảnh sát biển Việt Nam kêu gọi phía Trung Quốc chấm dứt mọi hành vi xâm phạm chủ quyền và rời khỏi vùng biển Việt Nam. Bắt đầu là những cuộc rượt đuổi của tàu Trung Quốc với tàu Cảnh sát biển của ta. Đây cũng là lúc mà tôi cảm nhận được rõ nhất tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam. Đó là sự phối hợp rất ăn ý, dũng cảm và tài tình của cả một ê kíp, từ chỉ huy tác chiến, trưởng phó tàu, chính trị viên… Tất cả lực lượng trên tàu đều tập trung phối hợp xử lý tình huống và hết sức né tránh va chạm với tàu Trung Quốc để hạn chế mọi thiệt hại về người và tài sản trên tàu. Đây chính là thời khắc vàng để các phóng viên tác nghiệp, tranh thủ ghi hình, chụp ảnh, thậm chí còn bất chấp nguy hiểm lao ra phía sau hoặc mạn thuyền để dẫn hiện trường. Tôi sẽ không thể quên được những ngày vừa ôm laptop viết, dựng phóng sự, vừa cầm túi ói mửa do bị say sóng. Có lẽ, đây là một trong những chuyến đi đầy trải nghiệm thú vị và quý giá nhất trong cuộc đời tác nghiệp của tôi.
‘ Lê Phương Dung phỏng vấn Cảnh sát biển Việt Nam
‘ Cảnh sát biển hỗ trợ phóng viên tác nghiệp
Sau khoảng thời gian tác nghiệp tại Hoàng Sa, chúng tôi còn đến huyện đảo Lý Sơn để chuyển số tiền của các cán bộ VTV4 quyên góp giúp đỡ những gia đình ngư dân nghèo, bị Trung Quốc bắt và cướp hết tài sản trong lúc đánh cá trên biển. Tại đây, nhóm cũng đã thực hiện một số phóng sự về ngư dân Lý Sơn bám biển; người dân Lý Sơn và những chứng tích lịch sử về Hoàng Sa. Chưa bao giờ, chúng tôi được tận mắt chứng kiến tinh thần quyết tâm bám biển và tình cảm thiêng liêng của người dân nơi đây với ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa như vậy. Ai ai cũng quyết tâm bám biển, coi những con tàu có cắm cờ Tổ quốc là những cột mốc chủ quyền sống trên Hoàng Sa, thậm chí họ đã khóc và nghẹn ngào khi nói về việc Trung Quốc đang cố tình xâm hại chủ quyền Hoàng Sa, nơi mà cha ông họ đã hy sinh xương máu gìn giữ suốt bao đời nay.
Là một phóng viên trẻ được trực tiếp ra Hoàng Sa tác nghiệp, chị có suy nghĩ gì về tinh thần yêu nước của các bạn trẻ ngày nay?
Cách đây không lâu, tôi cũng có một chuyến công tác tại Điện Biên để làm phóng sự cho chương trình Ngày Điện Biên phát sóng trên VTV4. Tôi vẫn còn nhớ mãi cảm giác bước chân vào Nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1 để quay một cảnh vào buổi tối. Đứng trước hàng ngàn bia mộ của cha anh đã ngã xuống, hy sinh cho đất nước, tôi thật sự vô cùng xúc động, một cảm giác nghẹn ngào và thành kính khi đứng giữa một nghĩa trang mênh mông những bia mộ.
Dù là thế hệ trẻ chưa từng trải qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc nhưng khi đó tôi đã có những cảm nhận vô cùng chân thực và sâu sắc về những mất mát, hy sinh vĩ đại của cả dân tộc trong những năm tháng lửa đạn. Và bây giờ, khi đất nước đang lần nữa phải gồng mình đấu tranh cho chủ quyền dân tộc, tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân Việt Nam đều không muốn chiến tranh xảy ra. Người Việt Nam vốn yêu chuộng hòa mình vì đã thấu hiểu quá nhiều mất mát, hy sinh cho độc lập dân tộc trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc. Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ hãy yêu nước bằng lý trí và những hành động thiết thực, hãy làm tốt những điều mà mình có thể góp sức cho đất nước dù đó có thể chỉ là những hành động nhỏ bé nhất.