Ảnh minh họa.
Các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công như: Dự án cải tạo Quốc lộ (QL) 4A do Sở GTVT Lạng Sơn làm chủ đầu tư, được giao 43,5 tỷ đồng từ tháng 4/2022, đến nay chưa giải ngân; dự án cải tạo nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa (Sở GTVT Hà Nam là chủ đầu tư) mới chỉ giải ngân 10/228 tỷ đồng (4,4%), chậm 75 tỷ đồng; dự án nâng cấp QL32C đoạn Hiền Lương - TP Yên Bái (Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư) mới giải ngân 25 tỷ đồng (35,7%); dự án QL37 (Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư) mới giải ngân 40/121 tỷ đồng; dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư) mới giải ngân 279/750 tỷ đồng (37,2%), chậm 240 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới giải ngân được 286/1.100 tỷ đồng (đạt 26%), chậm 158 tỷ đồng và đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch năm 2022 hay dự án tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình gồm: đoạn qua tỉnh Hà Nam mới giải ngân 70 tỷ đồng (30,43%), còn phải giải ngân 160 tỷ đồng và đoạn qua tỉnh Hưng Yên mới giải ngân 164 tỷ đồng (30,09%), còn phải giải ngân 383 tỷ đồng.
Bên cạnh các dự án giao thông đường bộ, 2 dự án cải tạo sân bay chưa đáp ứng yêu cầu giải ngân cũng được Bộ GTVT "điểm tên" là: Dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài mới giải ngân 117 tỷ đồng (62,2%), chậm 59 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất chậm giải ngân 125 tỷ đồng, khối lượng giải ngân mới đạt 67 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án đường sắt cấp bách nằm trong danh sách giải ngân chậm là dự án gia cố hầm yếu đoạn Vinh - Nha Trang, hiện mới giải ngân được 31 tỷ đồng, chậm 41 tỷ đồng, còn phải giải ngân 169 tỷ đồng do vướng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!