1. Căng thẳng Mỹ - Trung
Ngày 15/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 50 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc do những "hành vi bất công thương mại".
"Thuế quan là thứ vĩ đại nhất. Nếu đối xử bất công với Mỹ thì ngồi lại đàm phán công bằng hoặc bị áp thuế", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.
Không khoanh tay đứng nhìn, Trung Quốc lập tức công bố đáp trả tương đương. Ngày 17/9/2018, Mỹ gia tăng sức ép khi áp thuế thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Một ngày sau, Trung Quốc cũng áp thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ.
Cuộc chiến thương mại chỉ tạm lắng dịu với khi Tổng thống Donald Trump gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 đầu tháng 12/2018. Tuy nhiên, cuộc giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chưa dừng lại.
2. FED tăng lãi suất 4 lần trong năm
Trong 4 lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) năm 2018, những chỉ trích trực diện của Tổng thống Donald Trump nhằm vào FED đã khiến thị trường chao đảo. Đây là cuộc đối đầu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ, khi tính độc lập của FED lâu nay vẫn được xem là yếu tố quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế.
4. Một năm đầy biến động của chứng khoán
Khởi đầu năm 2018, thị trường chứng khoán đạt đỉnh cao kỷ lục nhưng rồi Phố Wall lại liên tiếp rơi vào các vòng xoáy bán tháo, từ thương mại, FED nâng lãi suất cho tới nguy cơ suy thoái. Những lần phục hồi hiếm hoi là không đủ để Dow Jones tránh được 1 năm tồi tệ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008.
5. Cú giảm mạnh của giá dầu
2018 là một năm thăng trầm của thị trường năng lượng. Cách đây khoảng 3 tháng, thị trường Mỹ từng chứng kiến giá dầu tiến sát ngưỡng 80 USD/thùng, con số kỷ lục kể từ 4 năm qua. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa kịp mừng thì đến ngày Giáng sinh giá dầu hoàn toàn đảo ngược. Hiện giá 1 thùng dầu chỉ hơn 40 USD.
Thị trường dầu về cuối năm chịu nhiều bất lợi đặc biệt là sản lượng, cả 3 ông lớn dẫn đầu là Mỹ, Nga và Saudi Arabia đều vừa lập kỷ lục mới về sản lượng, trên dưới 10 triệu thùng dầu/ngày.
6. Nước Pháp rung chuyển vì biểu tình
Câu chuyện tăng thuế xăng dầu đã khiến cả nước Pháp bùng cháy trong những tháng cuối năm 2018. Khải Hoàn Môn - địa điểm du lịch danh tiếng bị đập phá. Các cửa hàng bán lẻ lớn thiệt hại đến 1/5 doanh thu chỉ trong 1 tuần, hàng nghìn lượt du khách quốc tế hoang mang, hủy bỏ lịch trình.
Tuy nhiên, tranh cãi thuế xăng dầu cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong nền kinh tế số 2 khu vực Eurozone bởi tại Pháp tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao, những gánh nặng thuế vẫn đè lên giới lao động mà xăng dầu chỉ là một trong số đó. Trong khi khoảng cách giàu nghèo chưa được cải thiện, kế hoạch bãi bỏ thuế với tầng lớp thu nhập cao lại càng làm tăng thêm sự phẫn nộ của nhiều người dân.
7. Những rạn nứt trong Liên minh EU
Cuộc "ly hôn" với nước Anh vẫn đang diễn biến đầy bất trắc cho châu Âu. Viễn cảnh một Brexit không đạt thoả thuận có thể dẫn đến việc tái lập các biện pháp thuế quan và kiểm tra biên giới, đe dọa quy mô thương mại hàng trăm tỷ USD mỗi năm hiện nay giữa 2 bên.
IMF dự báo rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình EU sẽ giảm khoảng 1,5% trong thập kỷ tới, nếu thỏa thuận rời EU bị bác bỏ và 2 bên quay lại các quy tắc của WTO.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu, tăng trưởng khu vực Eurozone được dự báo sẽ tiếp tục hạ trong năm nay và các nước thành viên cũng cùng chung xu hướng này. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã tăng vượt mức 2% trong quý III/2018.
8. Những thành tựu của giới công nghệ
Nếu phải miêu tả năm 2018 của giới công nghệ thì đó chính là năm của những thành tựu, những kỉ lục. Ngày 2/8/2018, Apple đã đạt giá trị vốn hoá thị trường 1.000 tỷ USD, sau đó khoảng 1 tháng là Amazon cũng vinh dự vào câu lạc bộ nghìn tỷ.
9. Bê bối bủa vây thung lũng Silicon
Năm 2018, người đứng đầu Facebook, Twitter và Google đã nối đuôi nhau ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về những lo ngại trong bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền lợi của người dùng.
Theo dự báo của Forbes, lấy lại niềm tin của người dùng sau các bê bối chính là thách thức lớn nhất mà giới công nghệ phải đối mặt trong năm 2019.
9. Cuộc đua 5G giữa Mỹ và Trung Quốc
Năm 2019, khả năng một cuộc chiến công nghệ giữa 2 thế lực Mỹ - Trung sẽ nổ ra khi họ đã ra những đòn đầu tiên trong lĩnh vực mạng 5G trong năm 2018.
10. Sự dịch chuyển của những công xưởng thế giới
Căng thẳng thương mại Mỹ -Trung giống như một cuộc giằng co giữa 2 con cá lớn trên biển, khiến mọi hệ sinh thái đều bị ảnh hưởng. Một hệ quả đáng chú ý trong số đó chính là làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đang nổi lên là điểm đến lý tưởng của ngành điện tử. Samsung, Huawei và Foxconn đã tới đây mở nhà máy hay lập kế hoạch đầu tư.
Lĩnh vực chế tạo máy, may mặc và da giày lại đang hướng tới Đông Nam Á nhằm tránh thuế quan với hàng Trung Quốc. Theo Deloitte, 4/5 nước hưởng lợi chính từ sự dịch chuyển sản xuất đến từ khu vực này, trong đó có Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!