Sáng nay (15/11), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế và thương mại của 15 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký trước sự chứng kiến trực tuyến của lãnh đạo các nước. Lễ ký diễn ra ngay sau Hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo các quốc gia thành viên hiệp định, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực bao gồm 10 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam và 5 đối tác thương mại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các nước tham dự lễ ký. Ảnh: TTXVN.
Mặc dù từ cuối năm 2019, Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định để bảo hộ thị trường trong nước và đến nay các nước thành viên vẫn để ngỏ cho sự quay lại của quốc gia có dân số đứng thứ 2 thế giới này, tuy nhiên 15 quốc gia tham gia của khối thương mại tự do này vẫn chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước của toàn cầu.
Do đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Liên minh châu Âu hay Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada. Đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới và không có sự tham gia của Mỹ.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng tuyên bố sau 8 năm đàm phàn đầy khó khăn, những vướng mắc cuối cùng của Hiệp định đã được giải quyết.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì các nước sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Các doanh nghiệp cũng được bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia thành viên của hiệp định mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại lễ ký. Ảnh: TTXVN
Việc ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực sau 8 năm đàm phán là một nỗ lực lớn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là hành động cụ thể nhằm củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như thể hiện sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương mở và góp phần phục hồi kinh tế của các nước sau đại dịch COVID-19.
Trong sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các nước ASEAN đã tham dự Hội nghị cấp cao với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres. Chiều nay, tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chuyển giao trọng trách nước Chủ tịch ASEAN cho Brunei.
Tại cuộc họp báo quốc tế ngay sau đó, Thủ tướng sẽ thông báo tới báo giới về kết quả của chuỗi các hội nghị lần này và kết quả của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam - một năm với nhiều biến động chưa từng trong suốt lịch sử của ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!