Hôm nay (23/6) - ngày thứ 2 của Tuần lễ Cấp cao ASEAN 2020 tiếp tục diễn ra các hội nghị quan trọng hướng tới Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Trong sáng nay, hội nghị giữa kỳ lần thứ 10 của các Bộ trưởng Kinh tế các nước đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng khi các nước thành viên RCEP quyết tâm ký kết hiệp định vào cuối năm nay, để sẵn sàng thực thi trong năm 2021.
Trọng tâm tại hội nghị giữa kỳ lần thứ 10 của các Bộ trưởng Kinh tế các nước đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hôm nay là tìm ra định hướng giải quyết các nội dung còn lại trong đàm phán, thống nhất lộ trình làm việc để báo cáo lên hội nghị cấp cao sắp tới, nhằm thực hiện mục tiêu ký RCEP vào cuối năm nay. Đặc biệt hội nghị cũng sẽ trao đổi về sự tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP.
Toàn cảnh Hội nghị sáng 23/6.
Tại phiên họp sáng nay, Ấn Độ - 1 trong 16 thành viên tham gia đàm phán tiếp tục không tham dư. Như vậy, kể từ sau Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 về RCEP tại Thái Lan diễn ra tháng 11/2020 đến nay, phía Ấn Độ vẫn chưa có văn bản chính thức nào về việc liệu nước này có rút khỏi hiệp định hay không.
Lo ngại lớn nhất của New Dehli được cho vẫn đến từ việc cộng gộp quy tắc xuất sứ hàng hoá trong RCEP sẽ khiến thương mại của nước này càng thêm thâm hụt sâu hơn với 15 thành viên còn lại, đặc biệt là với Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan điểm chung của cả 10 nước thành viên ASEAN được duy trì đó là nếu RCEP được ký kết với đầy đủ 16 nước sẽ mang lại lợi ích đầy đủ về kinh tế thương mại cho tất cả các thành viên.
Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP giữa kỳ lần thứ 10.
TS. Hoe ee khor - Nhà kinh tế trưởng tại Cơ quan nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 cho hay: "Hiệp định RCEP có vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang bao trùm kinh tế toàn cầu. Điều quan trọng nhất là nó gửi đi thông điệp cho thấy ASEAN và các đối tác đang thúc đẩy thương mại tự do vì triển vọng tăng trưởng của khu vực và đóng góp tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, thay vì chọn con đường dựng lên các rào cản thương mại".
Nếu RCEP được ký kết trong năm 2020 sẽ là một dấu ấn rất lớn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Đồng thời, RCEP sẽ phát đi tín hiệu về việc các nước tham gia đàm phán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hội nhập kinh tế giữa các nước trong khu vực, từ đó góp phần khôi phục lại các hoạt động kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới trong toàn khu vực, góp phần ứng phó với các ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!