Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hết năm 2020, một năm được định hình bằng đại dịch COVID-19. Cả thế giới đều bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, chỉ trừ châu Nam Cực.
Khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, rất đặc biệt do tỷ lệ nhiễm cũng như tử vong vì COVID-19 thấp hơn nhiều so với Mỹ hay châu Âu. Vì vậy, tới thời điểm này, nhiều chính phủ trong khối ASEAN đã bắt đầu nói về câu chuyện hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.
Với "bệnh nhân" ASEAN, mới đây, Tập đoàn tư vấn McKinsey đã kê một đơn thuốc với 5 liều thuốc bổ mà họ cho rằng ASEAN có thể tận dụng để phục hồi kinh tế hiệu quả:
- Đẩy mạnh sản xuất, trở thành công xưởng của thế giới;
- Số hóa nền kinh tế;
- Đầu tư vào môi trường;
- Nâng cao trình độ người lao động;
- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
ASEAN theo đuổi tham vọng trở thành "công xưởng" thế giới
Ngày 13/10, Tập đoàn Hyundai Motor của Hàn Quốc đã khởi công xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Singapore - nơi sẽ trở thành cơ sở sản xuất ô tô điện. Dự kiến, cơ sở này được đầu tư 295 triệu USD và có thể sản xuất 30.000 xe điện mỗi năm vào năm 2025.
"Đây là cơ sở đầu tiên trên thế giới. Nó sẽ cho phép Hyundai phát triển các công nghệ ô tô mới, bao gồm cả sản xuất ô tô điện. Nó cũng sẽ cho phép thử nghiệm các mô hình sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa hàng loạt của ô tô, thông qua các nhà máy quy mô nhỏ tại các đô thị", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định.
Còn tại Malaysia, hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cũng đang được đẩy mạnh. Mới đây, công ty bán dẫn hàng đầu của Đức Infineon Technologies đã cam kết đầu tư gần 800 triệu USD vào Malaysia trong 10 năm tới. Theo Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, khoản đầu tư này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vào sự ổn định và hấp dẫn của Malaysia như một điểm đến đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Khu vực ASEAN còn rất nhiều thách thức phải vượt qua nếu muốn trở thành điểm nóng sản xuất của châu Á. (Ảnh: Dân trí)
"Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực biến Malaysia trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á và không ngừng khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất tại đây", Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin khẳng định.
Tại Việt Nam, Apple đang đẩy mạnh sản xuất, trong khi các hãng công nghệ lớn như: Google, Microsoft, Panasonic đang có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất từ các nước khu vực vào Việt Nam. Các động thái này, cùng với những nỗ lực thu hút đầu tư tại Indonesia, Thái Lan… hứa hẹn sẽ củng cố vai trò của Đông Nam Á như một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất khu vực.
Tham vọng trở thành công xưởng thế giới của ASEAN không phải đợi đến lúc dịch bệnh bùng phát. Năm 2019, một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho thấy, 40% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc muốn chuyển sản xuất ra khỏi nước này, trong số đó có đến một nửa là nhắm tới khu vực Đông Nam Á - ASEAN.
Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư không quá tự tin với việc dịch chuyển sản xuất sang ASEAN. Vì so với Trung Quốc, khu vực ASEAN còn rất nhiều thách thức phải vượt qua nếu muốn trở thành điểm nóng sản xuất của châu Á.
Một chiến lược quan trọng khác đối với kinh tế ASEAN là số hóa nền kinh tế. Khối ASEAN đông dân thứ 3 thế giới, nhưng nền kinh tế số của ASEAN chỉ chiếm 7% GDP cả khối. Trong khi tại Trung Quốc, con số này là 16%, còn tại Mỹ là 35%.
Chiến lược "Smart Nation" của Singapore
Quy mô nền kinh tế số của 10 nước Đông Nam Á khá là thấp, nhưng đây là chủ đề được nhắc đến ngày càng nhiều giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, Singapore được coi là đầu tàu khu vực trong việc chuyển dịch số. Với một chiến lược mang tên Smart Nation - quốc gia thông minh.
Năm 2014, Singapore công bố sáng kiến "Quốc gia thông minh" với 3 trụ cột chính: kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Đảo quốc sư tử đặt ra cột mốc quan trọng cho mỗi năm, tập trung số hóa một số lĩnh vực cụ thể để người dân và doanh nghiệp kịp thích ứng.
Tài chính
Cơ quan Tiền tệ Singapore MAS đã mở Phòng thí nghiệm đổi mới Fintech, nơi cộng đồng tài chính và công nghệ có thể kết nối, cộng tác và đồng sáng tạo với nhau. Tại đây, các tổ chức tài chính có thể thử nghiệm các công nghệ mới một cách an toàn.
"Nơi này trở nên giống trung tâm hội tụ tinh thần kinh doanh của cả Singapore. Bạn có thể dễ dàng kết nối với các công ty khởi nghiệp, các viện nghiên cứu và cả những cơ quan chính phủ. Mọi người luôn sáng tạo ra những sản phẩm mới, những đổi mới như quả cầu tuyết càng lăn sẽ càng trở nên lớn hơn", ông Darrell Zhang, đồng sáng lập của Công ty khởi nghiệp Intraix Pte Ltd, cho hay..
Trong bối cảnh dịch bệnh, công ty khởi nghiệp thanh toán kỹ thuật số MatchMove cho biết yêu cầu từ các công ty muốn số hóa hệ thống thanh toán của họ đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm.
Singapore được coi là đầu tàu khu vực trong việc chuyển dịch số. (Ảnh: Shutterstock.)
Giao thông
Chỉ 12% diện tích đất được dành cho cơ sở hạ tầng giao thông nên số hóa để tối ưu việc sử dụng không gian. Sáng kiến đầu tiên là hệ thống bán vé phương tiện công cộng SimplyGo kết nối thanh toán bằng thẻ Mastercard hoặc điện thoại di động.
"Người dân có thể đưa ra quyết định tốt hơn cho hành trình của họ nhờ những thông tin được cung cấp trước. Họ biết khi nào thì xe bus đến, khi nào có chuyến tiếp theo, tình trạng trên chiếc xe đó có đông hay không. Hệ thống còn giúp chúng tôi quản lý xe buýt tốt hơn, không để tắc đường hoặc điều động thêm xe nếu cần thiết", ông Christopher Hooi Wai Yean, Phó Giám đốc Communications & Sensors Division, nhận định.
Singapore còn là quốc gia châu Á đầu tiên áp dụng hoàn chỉnh công nghệ tự lái với Auto Rider. Hình thức di chuyển giúp giải quyết vấn đề nhân lực và tăng cường kết nối tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Gardens by the Bay hay khuôn viên các trường đại học.
Rõ ràng phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh không phải là hành trình đơn giản. Nó đòi hỏi các thành viên ASEAN phải nhìn lại, đánh giá lại những chiến lược của mình sau dịch bệnh, để không chỉ hồi sức, mà còn có thể bật dậy khỏe hơn sau đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!