Sô liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra hôm qua, sau hơn một tháng các địa phương áp dụng trạng thái "bình thường mới", Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người dân để vượt qua đại dịch, góp phần giữ chân và đảm bảo đời sống của người lao động, kể cả lao động tự do. Khu vực doanh nghiệp FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất đã chủ động lựa chọn phương án hoạt động thích ứng dịch bệnh.
Như theo báo cáo của đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, tính tới ngày 30/10, số lượng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất quay trở lại hoạt động là 1.430/1500 doanh nghiệp, chiếm 95,33%, với số lao động làm việc là 256.356 người, chiếm 76,3% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Đánh giá của vị đại diện Ban quản lý cho biết, do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của TP Hồ Chí Minh, các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100% mà phổ biến mới đạt 50-70%.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng đều tự nhận định rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, thêm vào đó tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.
Thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, đảm bảo toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: Giữ chân người lao động; Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động; Điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!