EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%

P.V (t/h)-Chủ nhật, ngày 22/12/2024 21:59 GMT+7

VTV.vn - Theo thông báo mới nhất tại EU, khu vực sẽ tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% tại biên giới.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) vừa có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Rau quả Việt Nam về việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU.

Cụ thể, ngày 19/12/2024, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được thông báo số G/SPS/N/EU/804 từ Ban thư ký Ủy ban SPS/WTO về việc Liên minh châu Âu thông báo Quy định (EU) 2024/3153 ban hành ngày 18/12/2024 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa từ một số nước thứ ba vào Liên minh châu Âu, thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu. Quy định có liên quan đến sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Cụ thể, đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.

Nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid. Các hoạt chất này được EU quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép (MRL) từ 0,005 - 0,1 mg/kg, song sầu riêng Việt Nam có mức vi phạm từ 0,021 – 6,3 mg/kg.

Đối với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới, cụ thể: thanh long 30%, ớt 50%, đậu bắp 50%. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, định kỳ, 6 tháng một lần, EU sẽ xem xét việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu để sửa đổi tần suất kiểm tra biên giới đối với từng sản phẩm.

Trước đó, vào ngày 17/1/2024, EU đã ban hành Quy định (EU) 2024/286, yêu cầu tăng cường kiểm soát đối với một số mặt hàng từ Việt Nam. Theo đó, ớt chuông chịu tần suất kiểm tra 50%, mỳ ăn liền 20% và sầu riêng 10%. Đây cũng là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra tại cửa khẩu với mức tần suất như trên.

Những quy định này không chỉ phản ánh yêu cầu khắt khe của EU đối với an toàn thực phẩm mà còn đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là yếu tố sống còn để giữ vững thị phần tại một thị trường quan trọng như EU.

EU tuy không phải là thị trường quan trọng nhất của mặt hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đây lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ 2022.

Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào EU tăng mạnh nhất. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Cộng hòa Czech tăng hơn 28.000%, đứng thứ 4 trong số những nước nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Pháp tăng 32%.

Xuất khẩu sầu riêng đem về gần 17.000 tỷ đồng chỉ trong một tháng Xuất khẩu sầu riêng đem về gần 17.000 tỷ đồng chỉ trong một tháng

VTV.vn - Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy sầu riêng tiếp tục là trái cây xuất khẩu có kim ngạch cao nhất ở ngành hàng rau quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước