Logo TikTok. (Ảnh: Reuters)
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh và New Delhi vẫn đang căng thẳng về vấn đề biên giới. Theo giới chức Ấn Độ, các ứng dụng bị chặn vì gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh của nước này.
Ngoài TikTok của ByteDance, trong số những ứng dụng bị chặn còn có WeChat của Tencent, UC Browser của Alibaba và 2 ứng dụng của Xiaomi.
Danh sách 59 ứng dụng bị chính phủ Ấn Độ cấm hoạt động vì "gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh quốc gia" (Ảnh: Techcrunch)
Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết quyết định được đưa ra sau khi bộ này nhận được khuyến nghị từ Trung tâm Điều phối Tội phạm Mạng Ấn Độ và Bộ Nội vụ khi những cơ quan này phát hiện thấy “những rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư” đối với các ứng dụng từ Trung Quốc.
Ngay sau khi ban hành lệnh cấm, tài khoản chính thức của chính phủ Ấn Độ trên TikTok với hơn 1,1 triệu người theo dõi cũng lập tức bị xóa bỏ.
Lệnh cấm được đánh giá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công ty công nghệ Trung Quốc như ByteDance, bởi họ đang đặt cược đầu tư lớn vào Ấn Độ - một trong những thị trường về dịch vụ số lớn nhất hiện nay.
Logo TikTok trong một sự kiện quảng bá (Ảnh: Techcrunch)
Tính đến tháng 4 vừa qua, TikTok đã được tải về trên 2 tỷ lượt, trong đó, khoảng 30% là từ thị trường Ấn Độ.
Các chuyên gia đánh giá động thái của Ấn Độ sẽ giáng một đòn nặng lên tham vọng “con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Bắc Kinh và làm thiệt hại hàng triệu USD cho các công ty Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ cấm ứng dụng TikTok. Năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Google và Apple gỡ bỏ TikTok ra khỏi ứng dụng của mình tại Ấn Độ vì lo ngại các nội dung khiêu dâm trên nền tảng mạng xã hội này. Tuy nhiên, lệnh cấm đã được dỡ bỏ chỉ sau 1 tuần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!