Chỉ gần 2 tuần nữa là tới ngày chính thức diễn ra cuộc bầu cử sớm trên toàn nước Anh, ngày 12/12. Một trong những vấn đề bên lề được chú ý nhất trong cuộc bầu cử tại Anh lần này là vai trò và hành động của các tập đoàn sở hữu mạng xã hội, như: Facebook, Google, Twitter, trong cuộc chiến quảng cáo trực tuyến của các đảng phái.
Với các cuộc bỏ phiếu lớn gần đây, như bầu cử tại Anh năm 2015, bỏ phiếu Brexit và bầu tổng thống Mỹ năm 2016, hay bầu cử Anh năm 2017, kết quả đều là những bất ngờ ngoài dự tính. Các phân tích của giới chuyên môn cho thấy, một phần nguyên nhân dẫn đến các bất ngờ là việc các đảng phái sử dụng mạng xã hội như một công cụ để quảng cáo và tiếp cận cử tri, dẫn đến những thay đổi khó lường trong lá phiếu.
Trong những động thái mới nhất, Google và Twitter đã tuyên bố, đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên họ không chạy quảng cáo liên quan đến các chiến dịch tranh cử.
Theo Guardian, quyết định của Twitter đưa ra ngay sau khi ngày bầu cử ở Anh được chốt. Giám đốc điều hành Twitter lý giải, công nghệ quảng cáo số, với sự tối ưu dựa trên khoa học máy tính, đang hỗ trợ việc phát đi thông điệp, tiếp cận cử tri, thậm chí là tạo ra các video tin giả, làm lệch hướng tiếp nhận thông tin của người dùng. Đây đều là những thách thức hoàn toàn mới trong các cuộc bầu cử. Công ty này cho rằng, việc trả tiền để tăng phạm vi tiếp cận của các bài phát biểu tranh cử có thể có những mặt trái vượt ngoài tầm kiểm soát và thời điểm này là lúc nên lùi lại để xem xét vấn đề.
Google cũng có quyết định tương tự cách đây ít ngày, khi hãng này tuyên bố cấm quảng cáo liên quan đến chính trị. Quyết định của 2 hãng này, được cho là để chuẩn bị cho cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Dù nhận được nhiều đồng tình, nhưng theo một số chuyên gia về truyền thông chính trị, việc cấm tuyệt đối như vậy cũng có bất cập là sẽ làm khó cho các đảng phái nhỏ trong chiến dịch vận động.
Hiện chưa có quy định cấm sử dụng mạng xã hội trong các chiến dịch quảng cáo chạy đua tranh cử. Anh mới chỉ cấm việc sử dụng thuật toán để quảng cáo có chủ đích hướng vào đối tượng người xem nhất định. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên, các tập đoàn công nghệ được kêu gọi có hành động tự nguyện để các chiến dịch tranh cử công bằng hơn. Quyết định của Google và Twitter đang khiến áp lực lớn đổ dồn vào Facebook. Công ty này mới đây cho biết vẫn tiếp tục chạy quảng cáo chính trị, đồng thời cho rằng phía Anh nên cập nhật luật liên quan đến quảng cáo trong các cuộc bầu cử.
Ở Anh có luật bầu cử, nhưng trong đó chưa có nhiều quy định liên quan đến chạy quảng cáo qua mạng xã hội. Một nhan đề trên Guardian cho thấy rõ tình hình hiện nay ở Anh nói riêng và nhiều nước khác nói chung là việc kiểm soát quảng cáo trực tuyến trong mỗi đợt bầu cử đang gần như phụ thuộc vào thiện chí tự nguyện của các nhà mạng xã hội.
Việc Twitter và Google tự nguyện dừng chạy quảng cáo liên quan đến chính trị trong dịp này cũng xuất phát do kêu gọi từ các nhà vận động tại Anh, trước tình hình thực tế là sẽ không có quy định cụ thể nào được đưa ra kịp áp dụng vào đợt vận động tranh cử lần này.
Nếu nhìn vào sự chi tiêu trong các chiến dịch tranh cử, có thể thấy vai trò của quảng cáo mạng xã hội lớn thế nào với những cuộc bỏ phiếu gần đây. Số liệu công bố sau cuộc bầu cử ở Anh năm 2017 cho thấy vai trò ảnh hưởng của Facebook đối với chính trị nước Anh. Các đảng phái chi 1,3 triệu Bảng cho quảng cáo trên Facebook vào chiến dịch năm 2015, nhưng chỉ 2 năm sau đó, con số này tăng hơn gấp đôi, lên 3,2 triệu bảng vào đợt bầu cử năm 2017.
Không chỉ là vấn đề chi tiền, chiến lược quảng cáo ra sao và tận dụng mạng xã hội như thế nào cũng trở thành ưu tiên phân tích của các đảng phái trong mỗi kỳ bầu cử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!