Áp lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương vẫn lớn

VTV Digital-Thứ tư, ngày 08/03/2023 16:41 GMT+7

VTV.vn - Ngày 7/3, ngân hàng trung ương của hai nước trong nhóm G7 là Mỹ và Australia đều thể hiện các động thái cứng rắn liên quan đến chính sách lãi suất.

Động thái có phần bất ngờ trên cho thấy các ngân hàng trung ương vẫn đứng trước sức ép lớn trong cuộc chiến nhằm hạ nhiệt giá cả hàng hóa.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã lên tiếng cảnh báo về khả năng FED sẽ tăng lãi suất mạnh hơn, thay vì giảm tốc như thị trường kì vọng lâu nay. Những tuyên bố cứng rắn của ông Powell được đưa ra sau khi tỷ lệ lạm phát ở nước này giảm chậm, bất chấp FED đã tăng lãi suất liên tục kể từ vừa đúng 1 năm trước đây.

Ông Jerome Powell nhấn mạnh: "Những số liệu kinh tế mới nhất đều cao hơn dự báo, cho thấy chúng ta có thể sẽ phải nâng lãi suất mạnh hơn tính toán ban đầu. Nếu chúng tôi nghĩ rằng việc siết chặt tiền tệ là cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng nâng cao tốc độ tăng lãi suất. Trọng tâm bao trùm của chúng tôi vẫn là làm mọi cách để đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%".

Áp lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương vẫn lớn - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: AP)

Ngay sau tuyên bố của ông Powell, thị trường đã đánh giá khả năng cơ quan này sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 lên tới 70%, thay vì 30% chỉ một ngày trước đó.

Gần như cùng thời điểm với Mỹ, Ngân hàng Trung ương Australia cũng thông báo quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 3,6% - mức cao nhất trong vòng 11 năm. Đây đã là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Australia.

"Như Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã nói rõ, chúng tôi tin rằng lạm phát đã chạm đỉnh, nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn con số mà chúng tôi mong muốn và kéo dài hơn thời gian mà chúng tôi mong muốn", ông Jim Chalmers - Bộ trưởng Ngân khố Australia cho biết.

Tỷ lệ lạm phát ở các nước phát triển như Australia, trong tháng 1 là 7,4%, Mỹ 6,4%, Anh 10,1%, Liên minh châu Âu (EU) là 8,6, trong đó Pháp là 7% và Đức 8,7%, trong khi mức lạm phát mục tiêu của tất cả các quốc gia này đều chỉ ở quanh ngưỡng 2%. Các nhà phân tích thừa nhận lạm phát diễn ra dai dẳng hơn dự báo và các ngân hàng trung ương có thể sẽ không sớm đảo ngược đà tăng lãi suất.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp còn cho rằng lãi suất cao có thể sẽ phải duy trì trong 2 năm mới có thể chấm dứt được tình trạng lạm phát cao như hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước