Áp lực chuyển đổi sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 15/12/2024 07:56 GMT+7

VTV.vn - Kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi trong phương thức sản xuất để chủ động thích ứng.

Thời điểm này, các ngành hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam đang tăng tốc về đích. Với ngành hàng dệt may, kim ngạch xuất khẩu năm nay ước đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2023. Nhưng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá trị xuất khẩu trên mỗi đơn hàng dệt may hiện chưa cao trong bối cảnh hàng rào thương mại gia tăng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi trong phương thức sản xuất để chủ động thích ứng hơn nữa.

Trung tâm nghiên cứu, phát triển mẫu 3D đầu tiên của một nhãn hàng thời trang châu Âu đặt tại doanh nghiệp dệt may. Từ chỗ chờ đơn đặt hàng, doanh nghiệp đã chủ động từ thiết kế đến sản xuất, ký hợp đồng trực tiếp với hệ thống bán lẻ của các nhãn hàng lớn của Hoa Kỳ, Pháp, Đức.

"Thiết kế trên 3D nghĩa là khách hàng có thể nhìn được trực tiếp sản phẩm đó và tự chọn theo nhu cầu khách hàng cần. Từ đó chúng tôi có nhiều sản phẩm hơn mang lại doanh thu", bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNG chia sẻ.

Bứt ra khỏi công đoạn gia công mới chỉ là 1 phần. Thách thức nhất vẫn là phụ thuộc nguồn nguyên liệu bên ngoài. 10 tháng năm nay, chúng ta phải dành gần 23 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày, tăng trên 44%. Nếu không chủ động nguyên liệu trong nước, sản xuất khép kín, thậm chí là phải xanh hoá sẽ khó tạo giá trị gia tăng từng sản phẩm.

Từ nhựa của 1 chai nước, hay vải vụn bỏ đi. Đây là những nguyên liệu đầu vào để cho ra sản phẩm sợi và từ sợi sẽ cho ra sản phẩm bông tái chế, đầu vào cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam như áo khoác chẳng hạn để đảm bảo tiêu chuẩn xanh hoá khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Đây cũng là cách để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Đặng Quốc Thắng - Giám đốc ngành dệt may, Công ty Decathlon Việt Nam cho hay: "Để một doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng của Decathlon toàn cầu thì doanh nghiệp đó cần tuân thủ đánh giá cung ứng, các nhà máy tự chủ, tăng sức cạnh tranh thông qua chất lượng, giá cung ứng, phát triển xanh và bền vững".

Các thị trường lớn tiếp tục vận dụng các rào cản thương mại về kỹ thuật, môi trường, trách nhiệm xã hội cũng làm tăng chi phí tuân thủ, doanh nghiệp càng khó có thể cạnh tranh.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: "Với mức thuế dự kiến áp dụng đối với một số nước sẽ dẫn đến giá cả mặt hàng may mặc sẽ tăng khoảng 20,6%. Các doanh nghiệp trong ngành dệt may tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng tiên tiến, thân thiện với môi trường".

Theo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tỷ trọng sản phẩm dệt may "made in Việt Nam" ở các thị trường xuất khẩu luôn ở nhóm đầu. Cơ hội luôn có nếu doanh nghiệp biết tận dụng. Như là việc liên kết cùng sản xuất một số dòng sản phẩm hoặc các công đoạn thế mạnh trong chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước