Áp lực lạm phát của năm 2022 đang hiện hữu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/02/2022 20:41 GMT+7

VTV.vn - Áp lực lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, không nên quá lo ngại vì dự báo CPI cả năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát theo mục tiêu đề ra.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 3,6% trong rổ hàng hóa. Giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%; tăng 10% làm CPI tăng 0,36%.

Chưa kể, giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá cả các nhóm: giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa. Tăng chi phí các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào sản xuất kéo theo giá hàng hóa dịch vụ tăng.

"Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cần đánh giá kỹ về vấn đề cung cầu hàng hóa để có kịch bản điều hành giá theo quý, theo chu kỳ 6 tháng và cả năm để chúng ta có công cụ điều hành giá cho phù hợp", ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết.

Ngay những tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi ở một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng nhẹ. Mặt bằng lãi suất cũng đang chịu tác động không nhỏ từ những diễn biến của thị trường hàng hóa.

Áp lực lạm phát của năm 2022 đang hiện hữu - Ảnh 1.

Tăng chi phí các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào sản xuất kéo theo giá hàng hóa dịch vụ tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Chúng ta đang đứng trước áp lực khá là lớn từ việc lãi suất trên thế giới đang có xu hướng tăng Các mặt hàng, cũng như nguyên liệu nhập khẩu cũng đang có xu hướng tăng và sẽ có áp lực nhất định về lạm phát và có thể tăng lãi suất. Tuy nhiên theo tôi, mặt bằng lãi suất trong năm nay có thể tăng, nhưng tăng không đáng kể", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên phong, đánh giá.

Cơ sở để dự đoán lãi suất khó có biến động trong năm nay vì chính sách tiền tệ đang cần duy trì ở trạng thái đảm bảo thanh khoản tốt, ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ cho phục hồi kinh tế.

"Nền kinh tế của chúng ta hiện tại đang phục hồi, nhưng do tổng cầu và thu nhập của người dân đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên sức mua chưa phải là quá cao. Cùng với đó, nền kinh tế chưa hoạt động được 100% công suất. Do đó, áp lực về giá cả trong năm nay sẽ khá thấp", TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, nhận định.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng, lạm phát bình quân 2022 của Việt Nam có thể tăng nhẹ, nhưng không phải là mối quan ngại và rủi ro là không đáng kể.

"Dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 của chúng tôi là từ 2,7 - 3%, nhưng đây không phải là mối quan ngại lớn đối với Việt Nam vì nó vẫn còn thấp so với mức 4% đã được đề ra", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standart Chartered, cho hay.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, nếu không làm tốt công tác điều hành, không tổ chức lại khâu phân phối, kiểm soát tốt khâu trung gian thì nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao trở lại là điều khó tránh, vì vậy không thể chủ quan, lơ là.

World Bank: Lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát World Bank: Lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát

VTV.vn - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận cuối năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước