Thị trường hàng không Việt Nam có thực sự đang tăng trưởng nóng và đặt ra những áp lực nào lên vai các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý hạ tầng và chính các hãng hàng không? Đó là câu hỏi đã nhận được sự tranh luận sôi nổi của đại diện các đơn vị trực tiếp quản lý và hoạt động trong ngành hàng không tại Tọa đàm "Hàng không Việt Nam - Cơ hội và thách thức" diễn ra tại Hà Nội.
Chúng ta không sợ tăng trưởng nóng, càng nóng càng tốt nhưng làm sao phải kiểm soát được các vấn đề về an ninh an toàn - đó là quan điểm được ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nêu ra.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ những áp lực hiện nay đến từ sự quá tải hạ tầng hàng không, trong đó đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. Sự ách tắc cả trên không và dưới mặt đất khiến đơn vị quản lý không thể cấp thêm slot cho các hãng bay. Kéo theo đó, tăng trưởng của Tân Sơn Nhất chỉ có thể kìm lại ở mức khoảng 5%.
Đại diện Vietnam Airlines và Vietjet Air đều cho rằng, thị trường hàng không tăng trưởng ở mức xấp xỉ 20%/năm như hiện nay được đánh giá thuộc dạng cao trên thế giới. Việc này đặt ra cho các hãng hàng không nhiều áp lực về nhu cầu tăng chuyến tại các sân bay, điều hành quay vòng để sử dụng tối ưu số lượng tàu bay và đội ngũ phi công, tiếp viên phục vụ.
Trong đó, nhân lực được các hãng nhấn mạnh là một trong yếu tố rủi ro nhất bởi đào tạo một phi công lái thành thạo tàu bay thân rộng cũng phải mất từ 5-6 năm. Do đó, phương án phải thuê thêm phi công nước ngoài cũng đang làm tăng chi phí cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng, nếu có cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật vẫn có thể điều tiết được khả năng cung ứng của hạ tầng và dịch vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!