ASEAN hướng tới vị thế tâm điểm tăng trưởng toàn cầu

VTV Digital-Thứ hai, ngày 17/04/2023 16:03 GMT+7

VTV.vn - Các nước thành viên ASEAN cần chiến lược ứng phó với bất ổn kinh tế toàn cầu để trở thành tâm điểm tăng trưởng thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc do lạm phát vẫn cao, bất ổn tài chính và căng thẳng địa chính trị gia tăng, dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN được nhiều tổ chức tài chính quốc tế điều chỉnh giảm trong năm nay. Mức tăng trưởng GDP dự báo cho khu vực ASEAN 2023 đều dưới 5%. Nhưng nếu so với mức tăng trưởng chung của thế giới là khoảng 3% đây vẫn được đánh giá là mức tăng tương đối cao.

Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh nhận định, khả năng phục hồi của khu vực vẫn dễ bị tổn thương. Do vậy 10 nước thành viên cần một chiến lược ứng phó với bất ổn kinh tế toàn cầu nếu muốn hướng tới vị thế là tâm điểm tăng trưởng thế giới.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 29 diễn ra cuối tháng 3 ở Magelang đã chính thức thông qua 7 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia. Trong đó, tập trung vào 3 định hướng chính nhằm hiện thực hóa ASEAN như một trung tâm tăng trưởng của cả khu vực và toàn cầu: Tái thiết tăng trưởng khu vực thông qua việc kết nối thị trường và nâng cao tính cạnh tranh; Đẩy nhanh việc chuyển đổi và tham gia kinh tế số một cách bao trùm; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua giảm thiểu phát thải carbon.

ASEAN hướng tới vị thế tâm điểm tăng trưởng toàn cầu - Ảnh 1.

ASEAN hướng tới vị thế tâm điểm tăng trưởng toàn cầu. Ảnh minh họa.

Với hơn 660 triệu dân, quy mô nền kinh tế số của ASEAN có thể tăng gấp 10 lần hiện nay, lên 2.000 tỷ USD vào năm 2030, đóng góp 28% GDP cả khu vực.

Bà Retno Marsudi - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết: "Giới trẻ và nền kinh tế số là những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN. Trong thời kỳ khủng hoảng, sự đổi mới sáng tạo của giới trẻ đã đóng vai trò quan trọng giúp vượt qua các thách thức. Đông Nam Á hiện có 52 công ty kỳ lân. Hơn lúc nào hết giới trẻ ASEAN cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp nhằm tạo ra những tác động có lợi cho người dân trong khu vực".

Nhiều nền kinh tế lớn thế giới hiện đang chuyển sang các chính sách bảo hộ nhằm ứng phó với khủng hoảng. Trong khi đó, ASEAN vẫn duy trì cam kết hội nhập kinh tế khu vực và tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của hệ thống thương mại mở, minh bạch và dựa trên quy tắc.

"ASEAN là khu vực định hướng xuất khẩu nên khi nhu cầu yếu bên ngoài yếu sẽ tác động trực tiếp đến GDP. Lạm phát vẫn còn cao và việc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường việc làm của ASEAN vẫn khả quan, qua đó hỗ trợ tiêu dùng nội địa của khối vẫn duy trì đà tăng. Chưa kể du lịch hồi phục cũng sẽ giúp ASEAN thu về dòng ngoại tệ ổn định", ông Edward Lee - Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered nhận định.

Tiến sĩ Hoe EE Kho - Kinh tế trưởng Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đánh giá: "ASEAN vẫn là nơi thu hút dòng vốn FDI tốt. ASEAN sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp mới như sản xuất xe điện, pin xe điện. ASEAN cũng có thế mạnh về các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là lợi thế để ASEAN có thể có trong thương lượng chuyển giao công nghệ để không bị tụt hậu".

ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với GDP đạt 3.300 tỷ USD, dự kiến sẽ vượt Đức vươn lên vị trí thứ tư vào năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước