Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 16 quốc gia, gồm 10 nước trong ASEAN và 6 quốc gia khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand tham gia đàm phán với sự dẫn dắt của ASEAN, dự kiến sẽ tạo ra một thị trường khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và quy mô GDP khoảng 49,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu.
Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, thiết lập quy tắc xuất xứ, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP sẽ thành lập khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới chiếm đến 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, do sự khác biệt giữa các quốc gia, RCEP được xem là một cuộc đàm phán thương mại rất phức tạp.
Sau hơn 6 năm đàm phán, phiên thứ 28 diễn ra từ 19-27/9/2019 tại Thành phố Đà Nẵng được xem là phiên đàm phán kỹ thuật cuối cùng, với một số nội dung được ưu tiên thảo luận liên quan đến mở cửa thị trường, dịch vụ thương mại.
Theo ông Iman Pambagyo - Chủ tịch Ủy ban đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): "Phiên đàm phán tại Đà Nẵng lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xử lý nốt những vấn đề vướng mắc còn tồn tại, là phiên đàm phán kỹ thuật cuối cùng trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau vào tháng 10 năm nay, theo đúng tinh thần đã thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 7 vừa qua tại Bangkok, Thái Lan".
Theo dự kiến, nếu kết quả đàm phán giữa 16 quốc gia thuận lợi, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ được ký kết tại Việt Nam vào năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!