Ba thách thức lớn với kinh tế toàn cầu

VTV Digital-Thứ hai, ngày 17/06/2024 14:14 GMT+7

VTV.vn - GDP toàn cầu đang chịu sức ép từ ba thách thức, gồm lãi suất cao, biến động chính trị và căng thẳng thương mại gia tăng.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm nay, cao hơn dự báo đưa ra vào tháng Giêng là 2,4%. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo có thể kinh tế toàn cầu đang đi trên "làn chậm" của con đường phục hồi chứ không phải đường cao tốc. Báo cáo cho rằng, GDP toàn cầu đang chịu sức ép từ ba thách thức, gồm lãi suất cao, biến động chính trị và căng thẳng thương mại gia tăng.

Ngân hàng Thế giới WB dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại, về 3,5% trong năm nay. Lãi suất toàn cầu sẽ ở mức trung bình 4%, gần gấp đôi hai thập kỷ trước.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED tuần qua cũng hạ dự báo về số lần giảm lãi suất năm nay, từ 3 xuống 1. Ngân hàng Trung ương châu Âu dù đã hạ lãi suất trong tháng 6, nhưng lộ trình tiếp theo còn nhiều chông gai khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.

Ông Ayhan Kose - Phó Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: "Lạm phát lõi vẫn tương đối cao và có thể tiếp tục duy trì như vậy. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn trì hoãn cắt giảm lãi suất".

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh chia sẻ: "FED chưa cắt lãi suất ngay trong tháng 6 có thể đẩy các đồng ngoại tệ của các nền kinh tế châu Á tiếp tục chịu sức ép. Từ đầu năm đến nay, đồng Yen Nhật chịu mất giá hơn 11%. Đồng Won Hàn Quốc mất giá hơn 6%. Nhân dân tệ có nguy cơ mất mốc 7,25 là mốc phòng thủ".

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU liên tiếp tăng thuế quan từ 2 - 4 lần đối với tấm pin mặt trời, xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc trong một tháng qua. Đáp trả, Trung Quốc nộp đơn điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU.

Ông Heron Lim - Chuyên gia phân tích, Moody's Analytics cho biết: "Việc các rào cản thuế quan được dựng lên sẽ tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp năng lượng xanh mà Mỹ, EU và Trung Quốc đang muốn thúc đẩy. Quá trình chuyển dịch xanh sẽ bị chậm lại đáng kể".

Mới nhất, thông cáo chung sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) bế mạc cuối tuần qua tại Italia nêu rõ, tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đang làm suy yếu các ngành công nghiệp, thị trường lao động tại G7.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, rủi ro lan truyền từ các cuộc xung đột như Israel - Hamas có thể kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, khi kéo giá dầu và chi phí vận chuyển tiếp tục lên cao.

Bên cạnh đó, 2024 được coi là năm lịch sử về các cuộc bầu cử lớn trên thế giới với các cuộc bầu cử tại Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nghị viện châu Âu và nhiều nước khác, có thể tạo ra nhiều bước chuyển chính trị lớn.

Gần nhất là sự nổi lên của phe cánh hữu tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua. Dự báo xu hướng bảo hộ thương mại và can thiệp nhiều hơn vào các ngành công nghiệp chiến lược sẽ gia tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước