Bắc Giang kết thúc vụ vải thiều thành công

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/07/2022 13:26 GMT+7

VTV.vn - Vụ vải thiều năm nay ở Bắc Giang đã kết thúc thành công cả về sản lượng lẫn doanh thu. Sản lượng đã vượt hơn dự kiến và doanh thu đạt gần 6.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, vụ vải này cũng cho cho thấy sự chủ động, cũng như cách làm bài bản của địa phương trong việc giải bài toán tiêu thụ nông sản.

Kết thúc vụ thu hoạch năm nay, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang đạt xấp xỉ 200.000 tấn, vượt dự kiến ban đầu. Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, tại thị trường trong nước, vải thiều của Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi khi có mặt ở nhiều thị trường, chợ đầu mối…

"Bắc Giang lấy chất lượng vượt trội để tạo chỗ đứng vững chắc, vượt kỳ vọng chúng ta đã đề cập", ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho hay.

Bắc Giang kết thúc vụ vải thiều thành công - Ảnh 1.

Vải thiều chính vụ được thu mua tại một điểm cân ở Phố Kim, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). (Ảnh: TTXVN)

Trước, trong mùa thu hoạch, nhiều hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu, tiêu thụ đã được tỉnh Bắc Giang chủ động tổ chức ở trong nước và cả nước ngoài. Lãnh đạo tỉnh, cơ quan chuyên môn, địa phương có vùng vải trọng điểm cũng đã chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ vướng mắc ở cả chợ đầu mối, khu vực cửa khẩu.

"Năm nay, huyện đã chỉ đạo các đoàn công tác tìm kiếm thị trường ở các tỉnh phía Nam, miền Tây, miền Trung, thị trường lớn trong nước, xuất khẩu Capuchia", ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết.

Niềm vui từ thành công của vụ vải đã đem lại sự phấn khởi cho người nông dân và niềm tin để chờ đón vụ mùa mới. Những ngày này, người trồng vải sớm ở Tân Yên đang tập trung chăm sóc diện tích vải vừa thu hoạch với nhiều tín hiệu tích cực.

Thực tế, chất lượng vượt trội là một cơ sở quan trọng để đưa nông sản đến với nhiều thị trường. Tuy nhiên, sẽ không có một loại nông sản nào có thể tiêu thụ thuận lợi nếu chỉ có chất lượng mà không có sự chủ động trong kết nối cung cầu, cũng như không có một kế hoạch bài bản, nhất là đối với loại nông sản có sản lượng lớn như quả vải thiều.

Đẩy mạnh quảng bá nông sản Việt sang Nhật Bản

Thực tế tại Bắc Giang cho thấy khi nắm rõ những điểm mạnh cũng như những khó khăn của địa phương sẽ tìm ra được lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, chủ động quảng bá nông sản ra nước ngoài cũng là việc quan trọng cần làm nhằm tăng cường xuất khẩu nông sản ra bên ngoài.

Hiện nay, các địa phương đã rất chịu khó tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế. Mới đây, 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm Hà Nội, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi, cùng nhiều doanh nghiệp đã tổ chức hai hội chợ Việt Nam, một tại khu vực Kyushu phía Tây Nam Nhật Bản và một tại thành phố Osaka.

Các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, giới thiệu tại đây đã được người dân và doanh nghiệp Nhật Bản đón nhận tích cực.

Quảng trường trước nhà ga trung tâm Hakata, tỉnh Fukuoka - thủ phủ khu vực Kyushu, đã được chọn làm địa điểm để giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam.

Những mặt hàng nông sản tương như dừa xiêm, xoài, dưa hấu… hay các loại nông sản chế biến được nhiều người dân Nhật Bản quan tâm và ưa thích.

"Tôi đã từng đến thăm Việt Nam và lưu lại đây 1 tuần. Thực sự Việt Nam có rất nhiều món ăn ngon. Việt Nam có rất nhiều loại hoa quả và tất cả đều rất tuyệt. Có cả những đặc sản của vùng biển và vùng núi nữa. Đó là lý do tôi có mặt ở đây", anh Shigeyoshi Hironori, Trung tâm Giao lưu quốc tế, TP Buzen, Fukuoka, Nhật Bản, bày tỏ.

"Kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam với khu vực Kyushu đạt 4,6 tỷ USD. Đây là con số rất ấn tượng, vì nó tương đương với kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta với một nước tầm khá ở châu Âu. Trong thời gian gần đây, nông sản đang tiếp tục đà tăng trưởng trong xuất khẩu của ta sang khu vực kyushu", ông Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản, đánh giá.

Còn tại thành phố Osaka, sau 3 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, Triển lãm quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống Foodex Kansai 2022 vừa khai mạc.

Các gian hàng của Việt Nam với nhiều sản phẩm như hoa quả, nguyên liệu và thực phẩm tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo các doanh nghiệp, hàng hóa chất lượng của Việt Nam đã trở thành một trong những mặt hàng quen thuộc tại đây.

Bắc Giang kết thúc vụ vải thiều thành công - Ảnh 2.

Vải thiều được bày bán tại một siêu thị ở Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)

"Dịch COVID-19 vẫn đang tăng như tại triển lãm thực phẩm đồ uống Osaka lần này, thu hút rất nhiều khách tham dự, bao gồm khách Việt Nam và các nước khác, các sản phẩm của Việt Nam như cà phê được nhiều người khách hàng đánh giá cao", ông Tetsuji Haruta, Công ty Gold Cashew, Osaka, Nhật Bản, cho hay.

Các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản cũng rất hứng khởi khi mang sản phẩm đến giới thiệu tại triển lãm, các sản phẩm chất lượng của Việt Nam đang được coi là một trong những mũi nhọn để các doanh nghiệp này tăng doanh thu và mở rộng thị trường.

"Để có thể nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, hàng hóa của Việt Nam đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng đề ra. Chúng tôi đã sử dụng nhãn mác bằng tiếng Nhật cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này giúp người tiêu dùng Nhật Bản có thể dễ dàng tìm hiểu và mua chúng", bà Nathalia Uemura, Công ty Mundial Foods, Osaka, Nhật Bản, cho biết.

Các doanh nghiệp cho biết, với chất lượng đã được khẳng định được, hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản sẽ có nhiều tiềm năng xâm nhập sâu hơn nữa vào hệ thống bán lẻ. Điều quan trọng là phải duy trì chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn khắt khe của Nhật Bản.

Tăng cường xúc tiến thương mại qua hệ thống thương vụ

Quảng bá sản phẩm, cập nhật thông tin thị trường, kết nối chuỗi cung ứng chất lượng cao cũng là một trong những nội dung chính của Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức chiều 29/7.

Với những đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại, đây là mắt xích quan trọng giữa doanh nghiệp với các thị trường trên thế giới.

"Các tập đoàn bán lẻ của Bắc Âu hoạt động trên khắp thế giới trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ gia dụng, thủ công, mỹ nghệ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp được hàng cho các tập đoàn này, thì đồng nghĩa với việc cung cấp hàng hóa cho các các hệ thống bán lẻ trên khắp thế giới. Do vậy cần ưu tiên thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thu hút các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu của các nước này về Việt Nam", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, thông tin.

"Việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do không chỉ dừng ở ưu đãi thuế quan, mà quan trọng hơn đó là giúp chúng ta bổ sung cho nhau, thúc đẩy đầu tư. Như với RCEP, Australia nhìn nhận thị trường Việt Nam có rất nhiều nguồn nguyện liệu bổ sung không chỉ ở đây mà còn nhiều nước khác, do vậy Australia có thể đầu tư sang Việt Nam. Qua đó, Việt Nam thu hút được công nghệ từ Australia về Việt Nam, nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam", ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia, nói.

"Hệ thống thương vụ Việt Nam phối hợp với các đơn vị trong nước để triển khai hoạt động giao ban xúc tiến thương mại với các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để giúp các thương vụ cập nhật kịp thời kế hoạch kinh doanh và kế hoạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là các địa phương có nông sản tính mùa vụ cao", ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.

Vải thiều tươi lần đầu tiên xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại Móng Cái Vải thiều tươi lần đầu tiên xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại Móng Cái

VTV.vn -Ngày 9/7, chuyến hàng gồm 3 xe vải thiều tươi đầu tiên được xuất khẩu thuận lợi qua lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thành phố Móng Cái).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước