Bài học từ sự sụp đổ của biểu tượng Detroit

Nguyệt Hà-Thứ sáu, ngày 19/07/2013 22:57 GMT+7

Giới quan sát nhận định Washington sẽ không để Detroit vào tình thế sụp đổ hoàn toàn, bởi uy tín chính trị và hệ lụy kinh tế sẽ bị sứt mẻ. Nhưng quá trình cơ cấu để hồi phục sẽ có thể kéo dài từ 1 - 3 năm, với nhiều tốn kém.

Thành phố Detroit của Mỹ hôm 18/7 đã đệ đơn lên tòa án bang Michigan xin bảo hộ phá sản, sau nhiều thập kỷ vật lộn với suy thoái và quản lý yếu kém, để lại khoản nợ lên tới 18 tỉ USD.

Quyết định trên đã đưa "chiếc nôi" của ngành công nghiệp ô tô Mỹ trở thành thành phố lớn nhất tuyên bố phá sản trong lịch sử nước này. Câu chuyện của thành phố Detroit cho thấy những bất cập của tình trạng chi tiêu công bừa bãi và quản lý yếu kém – có thể khiến cả một thành phố công nghiệp lớn tại Mỹ lâm vào cảnh nợ nần, quẫn bách.

‘ Có 78.000 căn nhà bị bỏ hoang tại Detroit và dân số giảm từ 1,8 triệu người hồi năm 1950 xuống còn 700.000 người trong năm 2013. (Ảnh: AFP)

Đến Detroit những ngày này, điều dễ nhận thấy nhất là khoảng 78.000 khu nhà ở bỏ hoang. Những dịch vụ công cộng hầu như tê liệt. Tỉ lệ tội phạm tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua đang đưa Detroit nằm trong danh sách những thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ. Thành phố giờ chỉ còn 700.000 dân, so với con số 1,8 triệu người năm 1950.

Không ai có thể tưởng tượng rằng vài chục năm trước, Detroit từng trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp ôtô, với sự đổ bộ của nhiều tập đoàn xe hơi lớn - trong đó có General Motor. Nhưng sự xuống dốc của ngành chế tạo xe hơi Mỹ những năm gần đây do khủng hoảng, đã dẫn đến những dòng người lao động da màu rời khỏi thành phố. Sự thất thu thuế, sự buông lỏng quản lý, tình trạng tham nhũng và thất bại trong các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở và dịch vụ công đã khiến Detroit trở thành con nợ với số tiền phải trả lên tới hơn 18 tỉ USD.

Ông Rick Snyder, Thống đốc bang Michigan cho biết: "Hôm nay, tôi đã cho phép thành phố Detroi tìm kiếm bảo hộ phá sản liên bang. Đây là một quyết định khó khăn và đau đớn, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, vì thành phố Detroit hiện không có khả năng tạo ra đủ lợi nhuận để thực hiện các nghĩa vụ cũng như chi trả nợ nần”.

Nếu tòa án liên bang chấp nhận đơn xin bảo hộ phá sản của thành phố theo chương 9 của Luật phá sản, hàng nghìn chủ nợ sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với ông Kevyn Orr - người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính khẩn cấp của Detroit - để giải quyết khối nợ 18,5 tỷ USD.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ: “Việc phá sản theo chương số 9 không có nghĩa là thành phố Detroit sẽ lâm vào tình trạng sụp đổ và đi đến chỗ tận diệt. Trong thời gian của chương 9 này, tất cả các biện pháp đòi nợ phải dừng lại để thành phố có cơ hội để tái cấu trúc. Trên cơ sở đó, chương 9 không phải bước để thanh lí tài sản, mà là bước để chính quyền địa phương có cơ hội phục hồi lại để đàm phán để trả nợ”.

Nhưng đàm phán để cơ cấu nợ sẽ để lại hậu quả nặng nề cho những chủ nợ, ở đây là hai quĩ lương hưu đại diện cho hàng ngàn người hưu trí tại Detroit. Đại diện của thành phố, ông Orr đã đề xuất các chủ nợ chấp nhận 10 cent thay cho mỗi USD tiền nợ hiện nay, nghĩa là những người về hưu sẽ phải mất tới 90% số tiền họ từng tích cóp để cho chính quyền thành phố vay và giờ không lấy lại được. Giới phân tích còn quan ngại về sự chấm dứt hoạt động của nhiều doanh nghiệp lắp ráp đang làm ăn tại Detroit.

Trước tình hình trên, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack cùng đội ngũ cố vấn kinh tế cấp cao đang theo dõi sát sao tình hình tại Detroit, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ sát cánh cùng chính quyền địa phương nhằm giải quyết khủng hoảng.

“Dĩ nhiên việc phá sản một thành phố, với mức nợ lên tới 20 tỉ USD là một chuyện lớn. Thế giới rất quan tâm xem Mỹ sẽ xử trí như thế nào. Nói chung, một số điểm chúng ta có thể rút được từ bài học của Detroit, thứ nhất là nợ công hiện tại đang tăng đến mức rất cao. Và nếu các chính quyền trung ương cũng như địa phương không quản lí được, vung tay quá trán thì đến một lúc nào đó sẽ mất khả năng thanh toán. Thực tế này sẽ đưa cả một địa phương, cả một đất nước của mình vào cuộc khủng hoảng”, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.

Khác với các vụ phá sản tập đoàn và công ty, lịch sử nước Mỹ chứng kiến rất ít các trường hợp phá sản cấp thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc vụ Detroit sẽ không có các quy tắc tiền lệ. Thêm vào đó, số lượng chủ nợ đông đảo dự báo một chặng đường gian nan phía trước. Giới quan sát nhận định Washington sẽ không để Detroit vào tình thế sụp đổ hoàn toàn, bởi uy tín chính trị và hệ lụy kinh tế sẽ bị sứt mẻ. Nhưng quá trình cơ cấu để hồi phục sẽ có thể kéo dài từ 1 - 3 năm, với nhiều tốn kém. Và thiệt hại nhiều nhất vẫn là những người hưu trí đã đặt cược khoản tiền tiết kiệm của mình vào tay những nhà quản lý.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước