Điện đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, dự tính mỗi năm nhu cầu điện tăng thêm khoảng 15%, đồng nghĩa nguồn điện cũng phải phát triển cho kịp nhu cầu để đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động rất lớn, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là quá lớn so với nền kinh tế nước ta. Vậy làm thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng, quan trọng nhất chính nguồn vốn. Đây là khó khăn nan giải nhất hiện nay.
4,9 tỷ USD là con số bình quân mà ngành điện cần đến mỗi năm để đầu tư xây dựng các công trình điện. Điện là loại hình đặc biệt, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi lại dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên hầu hết các tổ chức tài chính rất ngại cho vay, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài. Nhiều dự án điện trong quy hoạch hiện chậm tiến độ do khó khăn thu xếp nguồn vốn.
‘ Ảnh minh họa
Nhiệm vụ đầu tư cho ngành điện chủ yếu vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải gánh vác, trong khi Tập đoàn này cùng các đơn vị thành viên chỉ thu xếp được khoảng 20-30% tổng mức đầu tư.
Tại cuộc hội thảo “Vốn cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức sáng 13/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải bố trí vốn cho các dự án điện, ví dụ với dự án thủy điện Sơn La, 4 ngân hàng thương mại đã cam kết tài trợ 17.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều hợp đồng đã bị dừng giải ngân khi nảy sinh bất đồng về mức lãi cho vay khi lãi suất tăng cao, việc huy động vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng, đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa giá điện theo giá thị trường mới có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA cho các dự án điện.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đáp ứng nhu cầu điện, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Với tầm quan trọng của năng lượng trong phát triển kinh tế xã hội, các dự án điện đang cần một chính sách đặc biệt để giải quyết các mâu thuẫn, đảm bảo nguồn vốn khổng lồ trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.