Bảo hiểm y tế trước nguy cơ “vỡ quỹ”: Đâu là giải pháp căn cơ?

Thùy An-Thứ ba, ngày 13/09/2016 06:03 GMT+7

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

VTV.vn - Theo thống kê, hiện có trên 40 địa phương không cân đối được quỹ BHYT và nếu không có những giải pháp căn cơ, quyền lợi của người tham gia BHYT khó có thể được đảm bảo.

Để làm rõ hơn về câu chuyện bội chi quỹ BHYT đặc biệt là ở những tỉnh miền núi khó khăn cũng như giải pháp để tháo gỡ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Thưa ông, xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến bội chi một cách "tự nhiên" quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?

Năm nay có 2 điều chỉnh về mặt chính sách theo luật bảo hiểm y tế là chính sách viện phí và chính sách về tài chính y tế. Việc liên thông các tuyến huyện của trong tỉnh, liên thông các bệnh viện huyện trong cả nước giúp khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn, người dân có khả năng lựa chon nơi khám tốt hơn. Điều này khiến tần suất sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh tăng lên.

Bảo hiểm y tế trước nguy cơ “vỡ quỹ”: Đâu là giải pháp căn cơ? - Ảnh 1.

Ước tính trong năm 2016, sẽ cần bổ sung 6 – 7000 tỷ đồng cho quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ quỹ dự phòng bảo hiểm y tế (Ảnh minh họa, Ảnh: Dân Trí)

Điều chỉnh tài chính y tế thông qua Thông tư 37 với việc điều chỉnh là giá dịch vụ y tế (giá dịch vụ kỹ thuật) theo hướng tính đúng tính đủ, đương nhiên sẽ đẩy chi phi cao lên. Để đảm bảo tài chính minh bạch, sau này Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh sẽ điều chỉnh ngân sách thông qua các hoạt động của mình, đương nhiên là chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ y tế sẽ tăng lên.

Khi xây dựng kế hoạch năm 2016, Bảo hiểm Xã hội đã báo cáo Chính phủ, năm nay dự kiến quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thu khoảng 59.000 tỷ, trong khi kế hoạch sử dụng là 65.000 – 66.000 tỷ đồng. Như vây là năm nay sẽ cần bổ sung 6.000 – 7.000 tỷ đồng cho quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ quỹ dự phòng bảo hiểm y tế.

Một giải pháp nữa là có thể tăng phí bảo hiểm song trước tình hình kinh tế xã hội hiện nay và trước "sức khỏe" của các doanh nghiệp và sức nóng từ dư luận nên bảo hiểm xã hội chưa đề nghị Chính phủ tăng và đã đồng ý trong sử dụng quỹ dự phòng bảo hiểm y tế của bảo hiểm xã hội.

Tần suất khám tăng từ 5 – 7% cộng với giá dịch vụ y tế điều chỉnh khiến chi phí y tế tăng từ 17 – 20%. Cộng với sự phát triển các dịch vụ kỹ thuật, yếu tố trượt giá… năm nay quỹ bảo hiểm y tế phải chi trả khoảng 66.000 tỷ so với 49.000 tỷ trong năm 2015 (tăng khoảng 35%). Cùng với đó là khoảng trên 40 địa phương trên cả nước không cân đối được quỹ mà phải có sự hỗ trợ từ trung ương. Chỉ có 20 – 22 địa phương là có thể cân đối được

Vậy theo ông, có giải pháp nào để các địa phương cân đối được tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế từ giờ đến cuối năm để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là ở các địa phương miền núi khó khăn?

Trong 6 tháng vừa qua, bên cạnh những yếu tố khách quan cũng có yếu tố chủ quan từ phía các những người cung cấp dịch vụ mà cụ thể là các cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, một phần đến từ người dân, một phần đến từ trách nhiệm quản lý giám sát của cơ quan bảo hiểm dẫn đến tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế ở nhiều địa phương

Các giải pháp có thể kể ra như:

- Mở rộng nhanh các đối tượng tham gia để có nguồn thu tốt hơn cho quỹ bảo hiểm y tế;

- Căn cơ các chi phí, những gì cần làm thì làm những gì cần tiêu thì tiêu, thuốc nào cần phải sử dụng thì sử dụng;

- Hạn chế tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Thực tế cho thấy, có tình trạng bệnh nhân chỉ cần khám 1 lần, lại hẹn đi hẹn lại bệnh nhân khám nhiều lần, cơ sở khám chữa bệnh không chữa được song vẫn giữ lại làm xét nghiệm, vẫn chụp chiếu chuyển lên trên, lên trên lại làm lại không sử dụng kết quả của tuyến dưới, dẫn đến các chi phí trung gian lãng phí, thuốc men. Ngoài ra cũng có trường hợp, nhiều thuốc gốc giá tốt song lại kê thuốc đắt gấp đôi, các vật tư y tế nhiều nơi sử dụng lãng phí.

Bảo hiểm y tế trước nguy cơ “vỡ quỹ”: Đâu là giải pháp căn cơ? - Ảnh 2.

Việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế không phải là tình trang hiếm gặp trong thời gian qua

Một số nơi đưa bệnh nhân vào nội trú không đúng, có nơi khi kiểm tra có đến 40% bệnh nhân vào buổi tối không có người nằm (bệnh nhân nhẹ song đưa vào nội trú) để được thanh toán tiền giường, tiền bảo hiểm làm tăng chi phí lên, thậm chí có nơi thu gom… bệnh nhân; vận động người dân khám chữa bệnh miễn phí song lại bảo mang bảo hiểm đến; rồi lấy thẻ bảo hiểm ấy để thống kê thanh toán với cơ quan bảo hiểm, rồi đưa những thuốc không cần thiết vào…

Thời gian tới bảo hiểm xã hội cùng Bộ Y tế cùng UBND các địa phương kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm những hành vi trục lợi trên.

Các địa phương bội chi ngân sách quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ nguyên nhân khách quan (do tăng giá viện phí, tầng suất khám chữa bệnh tăng, phát triển các dich vụ kỹ thuật đúng cần thiết đã được phê duyệt…) sẽ chuyển kinh phí về để thanh toán

Ông có đề cập tới giải pháp mở rộng nhanh các đối tượng tham gia để có nguồn thu tốt hơn cho quỹ bảo hiểm y tế. Vậy, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là những đối tượng nào?

Còn khoảng 20% đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế tập trung ở lao động tự do, những người làm việc phi chính thức công việc không ổn định có mức sống trung bình, đặc biệt ở khu vực nông thôn – đây là những đối tượng có thể phát triển để tham gia bảo hiểm y tế.

Có ý kiến cho rằng, nâng độ tuổi về hưu sẽ giúp quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm ý tế ổn định hơn. Ông có nghĩ sao về vấn đề này?

Độ tuổi lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội khác. Quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ bảo hiểm y tế không phụ thuộc vào độ tuổi lao động.

Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước