"Bão” phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt: "Bị kiện" không có nghĩa là vi phạm!

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 29/05/2021 06:51 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại đánh và hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Năm 2020 chứng kiến một kỉ lục khi có 39 vụ hàng hoá Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại quốc tế. Mới đầu năm nay, khi xuất khẩu tăng trưởng 30% cũng là lúc Việt Nam đối mặt với 6 vụ doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu điều tra thương mại.

Máy cắt cỏ, lốp xe, mật ong cùng nhiều mặt hàng mới, lần đầu tiên bị khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Vậy lý do là bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh hay chính bởi sự tăng trưởng tích cực của năng lực cạnh tranh hàng hoá Việt trên các thị trường xuất khẩu?

Nhiều mặt hàng Việt Nam sản xuất cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 của nước ta ước tính đạt 281,5 tỷ USD, với 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, 9 mặt hàng kim ngạch trên 5 tỷ USD, 24 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD….

Một thông tin đáng chú ý mà Cục phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương vừa đưa ra là cùng với tăng trưởng về xuất khẩu, Việt Nam lại đối mặt với mật độ khá dày các vụ kiện phòng vệ thương mại quốc tế.

Nhiều mặt hàng mới của Việt Nam lần đầu tiên bị khởi kiện điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài dù có kim ngạch xuất khẩu không lớn như mật ong, hay máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá…

Nghe qua "bị kiện" có vẻ như là tiêu cực, tuy nhiên bị kiện không có nghĩa là chúng ta vi phạm. Góc nhìn tích cực cho thấy, năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam đang ngày càng tốt hơn trên thị trường quốc tế là một lý do trong chuyện này.

Bão” phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt: Bị kiện không có nghĩa là vi phạm! - Ảnh 1.

Mới đây, mật ong của Việt Nam lần đầu tiên bị khởi kiện điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Ảnh minh họa - PLO.

Sản phẩm mật ong nước ta được xuất khẩu sang Mỹ đã 30 năm. Theo số liệu từ hải quan Mỹ, năm 2020, Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ khoảng 50,7 nghìn tấn mật ong, với kim ngạch xuất khẩu là 60,4 triệu USD, là quốc gia xuất khẩu mật ong lớn nhất vào Hoa Kỳ, chiếm 25,8% tổng nhập khẩu mật ong vào Hoa Kỳ.

Mật ong chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh, khiến lần đầu tiên mặt hàng mật ong bị điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là kiện chống bán phá giá.

Năng lực sản xuất đang tích cực, tạo ra sản lượng lớn, với giá thành cạnh tranh khiến cho doanh nghiệp tại nước xuất khẩu khó khăn cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam và họ tìm cách chứng minh thiệt hại để yêu cầu điều tra phòng vệ thương mại.

Mật ong không phải là mặt hàng duy nhất, khi còn đệm mút, hạt nhựa ép và nhiều mặt hàng khác thuộc nhóm những mặt hàng lần đầu tiên bị khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Bị khởi kiện không có nghĩa là ngành sản xuất đó đang vi phạm.

Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết khi phải đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại, cụ thể gồm 3 biện pháp: tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp, là một thực tế phổ biến trên thế giới trong bối cảnh tự do hóa thương mại.

Nhiều doanh nghiệp lớn đã hiểu và coi các vụ kiện phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế. Còn với doanh nghiệp nhỏ, những lĩnh vực mới đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ, Bộ Công Thương cũng liên tục đào tạo, tập huấn, để doanh nghiệp biết cách ứng phó theo đúng luật pháp quốc tế.

Doanh nghiệp Việt chủ động tự bảo vệ ngành sản xuất bằng công cụ phòng vệ thương mại quốc tế

Theo Bộ Công Thương, phòng vệ thương mại có 3 biện pháp: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại. Trong đó, công cụ chống bán phá giá được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, bởi biện pháp kĩ thuật này có thể áp dụng trong một thời gian dài. Các pháp luật về phòng vệ thương mại được thực hiện theo quy định của tổ chức thương mại quốc tế WTO và được sự ủng hộ chung của các thành viên WTO.

Theo Bộ Công Thương, lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại đánh và hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Việc cắt giảm thuế quan theo các FTA sẽ khiến quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác được thúc đẩy và gia tăng mạnh mẽ.

Quy mô xuất khẩu tăng trưởng thời gian qua cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và giá cả cạnh tranh tại nhiều thị trường. Điều đáng nói là nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt về cạnh tranh thương mại đã được nâng cao lên rất đáng kể so với trước đây.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp thời điểm này đã khá chủ động trong việc chung tay để bảo vệ sản phẩm hàng hoá xuất khẩu, đảm bảo không vi phạm các quy định thương mại quốc tế.

Bão” phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt: Bị kiện không có nghĩa là vi phạm! - Ảnh 2.

Ngành gỗ đã chủ động bảo vệ các sản phẩm chủ lực xuất khẩu khỏi các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại quốc tế. Ảnh minh họa - TTXVN

Trước mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức cao nhất từ trước đến nay 15 tỷ USD cho năm 2021, ngành gỗ đã chủ động bảo vệ các sản phẩm chủ lực xuất khẩu hiện tại như tủ bếp, tủ nhà tắm, ghế ngồi... khỏi các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại quốc tế.

Cụ thể, ngày 6/5, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã gửi công văn lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc kiểm soát các bộ phận của tủ bếp, tủ nhà tắm nhập khẩu để tránh doanh nghiệp nước ngoài lẩn tránh xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sẽ khiến mặt hàng chủ lực xuất khẩu bị đình trệ.

Với bài học từ vụ việc gỗ dán Việt Nam hiện đang bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp do nghi ngờ có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài trà trộn xuất khẩu, đội lốt hàng Made in Việt Nam, ngành gỗ chủ động siết chặt hơn để tự bảo vệ.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nói: "Việt Nam là cái nơi không phải để những sản phẩm trốn lậu thuế, những sản phẩm lẩn tránh xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ 3. Cái đó là để đảm bảo cho cái nền sản xuất gỗ bền vững".

Còn ngành thuỷ sản thì có kinh nghiệm dày dặn khi là ngành sản xuất đầu tiên tại Việt Nam đối diện với những vụ kiện phòng vệ thương mại. Sau 2 vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra và tôm, cùng với 1 vụ kiện chống trợ cấp với mặt hàng tôm đều từ thị trường Mỹ, Hiệp hội thủy sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp đều đã hiểu rất rõ về pháp luật phòng vệ thương mại quốc tế, và tự chủ quản lý số liệu sản xuất, luôn lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, để đảm bảo cung cấp bằng chứng chứng minh không bán phá giá trong bất kì thời điểm nào.

Chia sẻ về kinh nghiệm, Hiệp hội thủy sản cho biết, các doanh nghiệp cần liên minh để cùng cung cấp thông tin dữ liệu, đóng góp chi phí theo kiện. Có công ty luật uy tín hỗ trợ thực hiện các vấn đề liên quan đến thủ tục. Khách quan, trung thực khi trả lời các câu hỏi điều tra.

Doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ qui định luật pháp quốc tế sẽ có lợi thế trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, bảo vệ ngành sản xuất.

Bộ Công Thương cho biết, hiện có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ - một quốc gia đang khởi xướng nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam lại chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Điều này khiến cho với những vụ việc như điều tra chống bán phá giá, nước này sẽ tham khảo các dữ liệu thông tin của nước thứ 3 thay vì thông tin do Việt Nam cung cấp. Do đó, biên độ chống bán phá giá có thể tính cao hơn so với thực tế.

Thời gian tới, Bộ Công Thương đang tiếp tục đối thoại với các đối tác thương mại lớn về vấn đề kinh tế thị trường nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước