Cụ thể, kết quả tổng hợp ý kiến từ 62 kinh tế gia trong tuần đầu tháng 9 cho thấy GDP quý III của Mỹ có thể tăng 23,9%, cao hơn rất nhiều so với dự báo 18,3% trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III và quý IV không mong đợi có thể bù đắp được những tổn thất của nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong nửa đầu năm 2020. GDP của Mỹ quý II đã giảm 31,7% và quý I là 5% so với quý trước đó.
Theo các chuyên gia kinh tế, để trở lại mức tăng trưởng GDP của quý IV/2019, tăng trưởng GDP quý IV/2020 phải đạt 24%. Nhưng theo dự báo, tốc độ này chỉ có thể đạt 4,9%, cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ còn kéo dài.
Một bài viết khác cũng trên tờ Tạp chí phố Wall nhận định sự phục hồi đáng ngạc nhiên sẽ đối mặt với những thách thức khó khăn hơn.
Theo bài viết, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ thời gian qua phần lớn là nhờ vào chính sách tiền tệ và các khoản hỗ trợ kinh tế chưa từng có của Chính phủ Mỹ.
Ngay từ tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất xuống mức gần bằng 0 và đẩy mạnh việc mua vào trái phiếu chính phủ. Đồng thời, FED giảm mạnh mức lãi suất cho vay mua nhà ở.
Các gói hỗ trợ kinh tế từ Quốc hội đối với các hộ gia đình và người mất việc làm để bù đắp khoản thu nhập bị mất đi cũng đã góp phần làm gia tăng trong lĩnh vực bán lẻ.
Bất chấp phục hồi nhanh, kinh tế Mỹ vẫn đối mặt nhiều thách thức. (Ảnh minh họa - Cleveland.com)
Tuy nhiên, tình trạng bế tắc trong việc thông qua khoản hỗ trợ kinh tế mới vốn là một cú huých cho sự phục hồi trong giai đoạn trước, tiếp đó ưu thế của việc mở cửa trở lại nền kinh tế hiện đã qua.
Bài viết dẫn báo cáo của Goldman hồi đầu tháng này cảnh báo những hạn chế đối với lĩnh vực nhà hàng, giải trí và dịch vụ cá nhân, vốn đóng góp tới 5% GDP sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới khi tình trạng lây nhiễm giảm một cách đáng kể.
Các chuyên gia kinh tế nhận định nền kinh tế Mỹ chỉ có thể phục hồi trở lại trạng thái trước đại dịch khi các doanh nghiệp thuê trở lại số lao động đã bị xa thải.
Trên thực tế, mặc dù số lao động bị tạm thời cho nghỉ việc đã giảm mạnh, nhưng tình trạng bệnh dịch tiếp tục kéo dài khó lường đã và sẽ tiếp tục khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ thuộc những lĩnh vực dễ bị tổn thương phải đóng cửa vĩnh viễn.
Theo thống kê, kể từ tháng 2 tới nay đã có hơn 2 triệu lao động Mỹ mất việc làm vĩnh viễn. Con số này được dự báo là sẽ còn tiếp tục gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!