Bắt đầu lắp dầm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo báo Giao thông-Thứ năm, ngày 03/04/2014 17:00 GMT+7

Dự kiến, thời gian lao lắp dầm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được thực hiện đến 3/7.

Đêm 3/4, ông Nguyễn Văn Doanh – Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, công tác lao lắp dầm bắt đầu được thực hiện. Đơn vị thi công đã bắt đầu lao lắp phiến dầm đầu tiên tại đường Quang Trung, đoạn giao với đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội). Phương án phân luồng giao thông cũng được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại cũng như tạo thuận lợi thi công

Dự kiến, thời gian lao lắp dầm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được thực hiện đến 3/7. Đơn vị thi công sẽ vận chuyển dầm và lao lắp vào ban đêm, từ 20h đến 5h sáng để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng giao thông.

Trước đó, vào giữa tháng 10/2013, tại bãi đúc dầm cạnh đường Lê Văn Lương kéo dài, dưới sự chứng kiến và kiểm tra của đại diện Hội đồng NTNN, chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) là Cục Đường sắt VN, Ban QLDA ĐS, đại diện đơn vị tư vấn giám sát và đại diện Tổng thầu EPC là Công ty HH Tập đoàn Cục 6 ĐS Trung Quốc, nhà thầu phụ thi công Tổng công ty XD Thăng Long đã đúc phiến dầm đầu tiên cho dự án. Đây là phiến dầm hộp đường sắt đúc sẵn lần đầu tiên ở Việt Nam được triển khai đúc tại dự án. Phiên dầm đầu tiên có chiều dài 30m có trong lượng 215 tấn. Trên toàn bộ dự án, có khoảng 800 phiến dầm sẽ được đúc và lao lắp.

Để lao lắp được loại dầm này, đơn vị thi công lao lắp dầm di chuyển cẩu Pooctic đến vị trí lao lắp dầm. Cẩu Pooctic nặng 165 tấn, cao 26m, rộng 12m.

Phương án phân luồng tổ chức giao thông khi thực hiện lao lắp các nhịp dầm đã được Sở GTVT Hà Nội triển khai. Khi lắp đặt các phiến dầm phía trái tuyến đường tổ chức giao thông cho các phương tiện đi hai chiều trên chiều đường còn lại. Nhà thầu cũng sẽ bố trí người phối hợp với các TTGT, CSGT hướng dẫn, phân luồng giao thông.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài là 13,08 km, đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của TP Hà Nội. Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.

Dự kiến, tuyến đường sắt này hoàn thành năm 2015.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước