“Bếp trên mây” - máy trợ thở cho nhiều nhà hàng tại châu Á

Kim Huệ-Thứ ba, ngày 21/09/2021 20:40 GMT+7

Mô hình "bếp trên mây" nở rộ tại Châu Á

VTV.vn - Mô hình “bếp trên mây”, “bếp ma” đang phát triển bùng nổ tại châu Á, và được ví như “máy trợ thở” cho nhiều nhà hàng trong thời kỳ hậu đại dịch.

Trong một khu công nghiệp ở ngoại ô Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), các đầu bếp đang chuẩn bị những bữa ăn sẽ không được phục vụ trong các nhà hàng: Chào mừng đến với thế giới của những "căn bếp ma" (ghost kitchen). 

Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 gây ra một cơ địa chấn cho ngành nhà hàng, ăn uống, quá trình thương mại hóa các bếp ăn thương mại đã nhen nhóm. Và các lệnh giãn cách xã hội vì COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển bùng nổ mô hình này ở châu Á.

Sự bùng nổ gần đây của các ứng dụng giao đồ ăn đồng nghĩa với việc khách hàng cũng đã quen với việc các bữa ăn chất lượng được giao đến tận nhà. Để đáp ứng nhu cầu này, ngày càng có nhiều nhà hàng thiết lập hoặc thuê các khu vực bếp chỉ dành để xử lý các đơn hàng giao đồ ăn, hay còn được gọi là " bếp trên mây" (cloud kitchen). 

Và khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chấm dứt việc ăn uống bên ngoài của hàng tỷ người. 

Ông Jason Chen, giám đốc điều hành của Just Kitchen, nói với AFP: "Đại dịch thực sự thúc đẩy toàn bộ ngành công nghiệp (bếp trên mây) tăng trưởng siêu tốc."

Just Kitchen bắt đầu vận hành nhà "bếp ma" đầu tiên tại Đài Loan, Trung Quốc vào đầu năm ngoái. Hiện tại, Just Kitchen đã có 17 căn bếp trên khắp hòn đảo, và một bếp tại thị trường Hồng Kông, Trung Quốc. Doanh nghiệp này cũng đang nhắm đến việc mở rộng sang Philippines và Singapore vào cuối năm nay. 

“Bếp trên mây” - máy trợ thở cho nhiều nhà hàng tại châu Á - Ảnh 1.

Just Kitchen vận hành từ năm 2020

Những gã khổng lồ giao hàng trong khu vực như Grab có trụ sở tại Singapore và GoJek của Indonesia cũng đã bắt kịp xu hướng này. Năm ngoái, Grab đã mở thêm 20 "bếp trên mây" mới ở Đông Nam Á, tăng từ con số 42 bếp trước thời điểm đại dịch.

Theo báo cáo của Researchchandmarkets.com, ngành công nghiệp "bếp ma" trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 12% mỗi năm, đạt trị giá khoảng 139,37 tỷ USD vào năm 2028. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với dân số 4,3 tỷ người, đã chiếm khoảng 60% thị trường quốc tế. 

Với nhiều thành phố đông đúc tại châu Á, nơi không gian sống ngày càng đắt đỏ, việc ăn uống hàng ngày tại các nhà hàng giá rẻ, hoặc quán ăn nhỏ trở nên có rẻ và khả thi hơn là nấu ăn tại nhà. 

Ẩm thực vội vàng

Nhóm nghiên cứu Euromonitor ước tính đang có khoảng 7.500 "bếp trên mây" hoạt động ở Trung Quốc và 3.500 ở Ấn Độ - so với 1.500 ở Mỹ và 750 ở Anh.

Bà Natalie Phanphensophon, chủ chuỗi nhà hàng Thái Lan với 45 năm tồn tại đã phải chuyển hướng sang chỉ giao hàng mang đi trong cả năm ngoái vì đại dịch.

Gia đình bà sở hữu chuỗi nhà hàng Mango Tree và Coca nổi tiếng tại Thái Lan. Phần lớn các nhà hàng đều nằm trong các trung tâm thương mại với chi phí thuê đắt đỏ, nhưng vắng bóng người do COVID-19. 

Đầu năm nay, bà đã mở căn "bếp trên mây" đầu tiên của mình ở ngoại ô Bangkok, và dự định mở thêm hai nhà hàng nữa.

“Bếp trên mây” - máy trợ thở cho nhiều nhà hàng tại châu Á - Ảnh 2.

Những căn bếp trên mây có chi phí thấp hơn

Theo người chủ doanh nghiệp này, nhà bếp trên mây ít sinh lợi hơn nhà hàng vì mọi người không gọi nhiều món so với đi ăn ở ngoài. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của mô hình bếp này thấp hơn nhiều.

iBerry Group, công ty điều hành các nhà hàng và cửa hàng kem chủ yếu hoạt động ở các trung tâm mua sắm ở Thái Lan, cũng thiết lập một trung tâm chỉ phục vụ các đơn giao hàng.

Giám đốc thương hiệu Thitanun Taveebhol cho biết: "Nhà "bếp trên mây" về cơ bản như một chiếc "mặt nạ oxy" đối với chúng tôi trong thời kỳ Covid-19".

Không chỉ các tập đoàn và chuỗi đã chuyển sang mô hình này, mà nhiều "bếp trên mây" nhỏ lẻ cũng xuất hiện.

Sau khi nghỉ hưu tại Air India gần đây, ông Nirjash Roy Chowdhury đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào việc thiết lập một nhà bếp trên mây ở Mumbai, Ấn Độ. Sáu nhân viên của ông đều có kinh nghiệm trong ngành khách sạn, vốn bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch.

"Họ không còn gì để ăn. Nếu tôi có thể giúp đỡ ai đó duy trì cuộc sống bằng cách làm này thì sao không thử chứ", người đàn ông 61 tuổi chia sẻ. 

Ông Chowdhury ước tính sẽ mất sáu tháng để hòa vốn nhưng tự tin rằng có tiềm năng là dài hạn."Tôi nghĩ văn hóa bếp trên mây này vẫn tồn tại ở đây," ông dự đoán.

Các chuyên gia cũng cho rằng quan điểm này thuyết phục. 

Ông Nailul Huda, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và tài chính có trụ sở tại Jakarta (Indonesia), cho biết chi phí vận hành thấp và thói quen đặt hàng của thế hệ trẻ am hiểu công nghệ sẽ đảm bảo mô hình này tăng trưởng liên tục. 

"Mọi người sẽ tiếp tục gọi đồ ăn ngay cả sau khi đại dịch qua đi, họ đã trở nên quen thuộc với văn hóa này. Tôi nghĩ rằng "bếp ma" sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa" ông chia sẻ.

Dịch vụ 'bếp đám mây' bùng nổ ở châu Á Dịch vụ "bếp đám mây" bùng nổ ở châu Á

VTV.vn - Khi quy định giãn cách xã hội được áp dụng ở nhiều nơi, dịch vụ "bếp đám mây" - các quán ăn chỉ bán bằng hình thức giao hàng - đã ra đời khắp châu Á.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước