Biến hạt gạo Việt thành "hạt vàng": Còn lắm gian nan

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/09/2020 06:02 GMT+7

VTV.vn - 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đã mang về 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2019.

Lần đầu tiên chủng loại gạo thơm ST20 đã được bán tại thị trường châu Âu với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất mà gạo Việt Nam đạt được sau 30 năm tham gia xuất khẩu. Trong tuần này, lô gạo giá trị cao nhất và ngon nhất của Việt Nam đã được xuất khẩu sang  EU.

Tuy nhiên, giá mới chỉ là một phần tạo thành giá trị của hạt gạo Việt. Gạo Việt đã được nhận diện trên thị trường quốc tế như thế nào?

Yêu cầu khắt khe của EU đối với gạo Việt

Mất gần 10 năm đàm phán, Việt Nam và EU mới đi đến thống nhất chọn 9 chủng loại gạo thơm được hưởng lợi từ EVFTA gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào. Với những giống lúa chất lượng cao của Việt Nam như ST24, ST25, mặc dù được Thế giới công nhận là ngon bậc nhất thế giới nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục đàm phán và bổ sung vào danh sách chủng loại gạo được phép hưởng lợi thuế quan theo EVFTA trong những năm tiếp theo.

Biến hạt gạo Việt thành hạt vàng: Còn lắm gian nan - Ảnh 1.

Tuần này, lô gạo giá trị cao nhất và ngon nhất của Việt Nam đã được xuất khẩu sang EU (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định "Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu" vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 4/9/2020. Đây được xem là bước tháo gỡ căn cơ cho các DN xuất khẩu gạo để tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo sang EU mỗi năm với thuế suất 0% nhưng cũng là minh chứng cho thấy, EU là thị trường vô cùng khắt khe và nguyên tắc.

Để 1 lô gạo thơm được xuất khẩu sang EU, trước hết, doanh nghiệp nhập khẩu từ phía châu Âu phải được cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo thơm từ Việt Nam.

Ở trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu gạo sau khi liên hệ được đối tác châu Âu thì phải được Cục trồng trọt cấp chứng nhận đủ điều kiện. Giấy chứng nhận chỉ được cấp theo từng lô gạo và phải điền tên nhà nhập khẩu. Về tiêu chuẩn, lô gạo thơm phải được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích; địa điểm trồng. Để xác nhận là gạo thơm của Việt Nam, lô ruộng lúa thơm phải đảm bảo độ thuần giống từ 95% trở lên và phải được kiểm tra trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch.

Về kiểm dịch thực vật, gạo Việt Nam phải đảm bảo không nhiễm đối tượng sâu bệnh mà phía EU quan tâm; phải được cấp mã số vùng trồng; có nguồn gốc xuất xứ và ghi rõ các biện pháp xử lý dịch hại trong chứng thư kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết: "EU có quy định riêng liên quan tới mức dư lượng trên từng nông sản một xuất sang họ và đăng tải công khai trên web EU commission. Chúng tôi phải kiểm soát và hướng dẫn người dân thực hiện".

Thương hiệu gạo Việt Nam mới chỉ dừng ở có logo

Cách đây 5 năm chúng ta đã có đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có thương hiệu gạo quốc gia sau nhiều năm tham gia vào thị trường xuất khẩu thế giới. 

Hiện thương hiệu gạo Việt Nam cũng đã làm thủ tục bảo hộ quốc tế. Tuy nhiên sau gần 2 năm có logo, hiện phát triển thương hiệu này vẫn mới chỉ dừng ở việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gạo quốc gia cho các tổ chức, cá nhân và được sử dụng đối với gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng.

Biến hạt gạo Việt thành hạt vàng: Còn lắm gian nan - Ảnh 2.

Hạt gạo Việt vẫn còn một chặng đường không hề ngắn để có thể chinh phục các thị trường khó tính như EU (Ảnh: Dân trí)

Để mang thương hiệu gạo quốc gia, doanh nghiệp phải thỏa mãn nhiều tiêu chuẩn như tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế IFS, rồi tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm hay đạt hệ thông quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000...

Theo một số doanh nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn gạo quốc gia phải nhấn mạnh được truy xuất nguồn gốc, xác định vùng nguyên liệu, chỉ có vậy các nhà sản xuất mới có được chất lượng đồng đều. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phải có những chính sách hỗ trợ công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

Tính từ năm 1989, thời điểm mà lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo, đến nay chúng ta đã đi một bước dài. Dù đạt các kỷ lục đáng mừng nhưng nhìn lại thật sự xây dựng giá trị cho hạt gạo Việt Nam thì có nhiều điều đang còn rất chậm. Phấn đấu đến năm 2030, đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản. Tạo thương hiệu, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, đảm bảo sự đồng đều chất lượng và đặc biệt là nguồn cung không bị đứt gãy vì bất cứ lý do gì. Đó là những trở ngại mà hạt gạo Việt không dễ vượt qua trong ngày một ngày hai. Nhưng đó là những việc cần thiết để hạt gạo Việt là hạt vàng đúng nghĩa.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 8/9 với khách mời là ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước