Bình ổn thị trường: Khích lệ doanh nghiệp đầu tư

Duy Ly-Thứ sáu, ngày 19/07/2013 14:57 GMT+7

 Đến nay, chương trình bình ổn giá theo mô hình xã hội hóa đã cho thấy những hiệu quả bước đầu, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư gia tăng sản xuất.

Năm 2013, lần đầu tiên TP.HCM quyết định xây dựng chương trình bình ổn giá theo mô hình xã hội hóa, đó là không ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp tham gia chương trình với lãi suất 0%. Thay vào đó Thành phố thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp.

‘ Ảnh minh họa

Nếu như trước đây sản phẩm nước mắm 584 chỉ mới đưa vào các kênh siêu thị trên địa bàn TP.HCM, thì nay nó đã liên tục có mặt ở các thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa, ở các khu chế xuất phục vụ công nhân và cả những thị trường lân cận như Campuchia.

Đơn vị này chia sẻ, sắp tới thị trường, kênh phân phối sẽ tiếp tục được nâng lên khi có sự kết nối mở rộng nguồn vốn phát triển hàng bình ổn từ các ngân hàng. Kế hoạch đầu tư sản xuất ra nhiều sản phẩm mới cung ứng cho nhiều phân khúc khác nhau cũng đã được doanh nghiệp chuẩn bị.

Ông Phan Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản 584 Nha Trang cho biết: “Chúng tôi thấy ở đây đang phát triển rất bình đẳng, có sự tương hỗ giữa các doanh nghiệp nên tất cả đều nỗ lực. Khi dùng đồng vốn phải thấy có trách nhiệm và buộc trong quá trình kinh doanh phải có giải pháp tốt để đạt hiệu quả”.

Theo nhiều doanh nghiệp, trước đây chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách không bị áp lực trả lãi, nay với chương trình xã hội hóa, có sự kết nối vốn vay ưu đãi từ 6-10% của các ngân hàng, đã kích thích doanh nghiệp nỗ lực hơn.

Ngoài việc chủ động tạo nguồn hàng góp phần ổn định thị trường thì vấn đề cơ cấu lại sản xuất, tinh gọn bộ máy để sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý với người tiêu dùng nhưng vẫn có lãi để có thể trả nợ cho ngân hàng.

Từ thực tế triển khai xã hội hóa chương trình bình ổn giá, mô hình kết nối giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng đã được hình thành, tạo lập được chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững. Đặc biệt, đã có hơn 6.000 điểm bán hàng bình ổn được phủ khắp khu vực tập trung người lao động có mức thu nhập thấp và trung bình trong thành phố. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Nguồn vốn khá lớn hơn 1.600 tỷ đồng từ các ngân hàng giúp doanh nghiệp chủ động tạo nguồn hàng, hợp tác đầu tư với vùng nguyên liệu sẽ thuận lợi hơn”.

Với chủ trương xã hội hóa đến nay, số doanh nghiệp tham gia bình ổn trên địa bàn thành phố tăng 20% so với năm 2012. Nguồn vốn hơn 1.600 tỷ đồng được mở rộng đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thuận lợi trong công tác tạo nguồn hàng từ các địa phương lân cận như thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ quả, đường, gạo… sẵn sàng phục vụ thị trường, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Đây cũng là mục tiêu chung của TP.HCM cũng như các đia phương nhằm góp phần hạn chế hành vi găm hàng, tăng giá tùy tiện, bảo đảm an sinh xã hội.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước