Bộ Công Thương vẫn giữ quyền phủ quyết sau thoái vốn Sabeco

Nhóm PV Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 21/12/2017 09:20 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương khẳng định Sabeco vẫn là doanh nghiệp Việt Nam và Bộ vẫn có quyền phủ quyết một số vấn đề của doanh nghiệp.

Giá cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco hiện còn 267.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 50.000 đồng so với mức giá tỷ phú Thái Lan - ông chủ của Tập đoàn ThaiBev - mua vào hai ngày trước. Như vậy, giá trị thị trường của lô của phiếu Sabeco mà tỷ phú Thái Lan vừa mua cũng đã giảm tương ứng 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tăng hay giảm giá cổ phiếu là điều hết sức bình thường do cung cầu thị trường. Điều quan trọng là ThaiBev, Sabeco và Nhà nước được gì sau thương vụ thoái vốn này. Liệu thương hiệu Sabeco có bị ảnh hưởng hậu thoái vốn?

110.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) là khoản thu lớn nhất từ trước tới nay trong một đợt thoái vốn tại Việt Nam. Theo các chuyên gia quốc tế, con số này là hiếm thấy tại các đợt thoái vốn trong khu vực.

Ông Thomas Felix Baden - Quyền Tổng Giám đốc CTCP Quỹ UNICAP - cho biết: "Kết quả 5 tỷ USD từ đợt thoái vốn Sabeco của Bộ Công Thương Việt Nam là con số rất lớn, hiếm thấy nhiều năm qua trong khu vực. Tôi đánh giá đây là một thương vụ thành công, mở ra tiền đề tốt cho các đợt thoái vốn tiếp theo của Việt Nam. Xét về mặt doanh nghiệp điều này là tốt cho Sabeco vì sự tham gia của các nhà đầu tư Thái trong cùng lĩnh vực sẽ bổ trợ, giúp gia tăng thêm hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Sabeco".

"Cổ đông này sẽ giúp hoạt động kinh doanh của Sabeco tích cực hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, khả năng mở rộng thị trường ra nước ngoài rất cao. Chúng tôi tin rằng khi cổ đông này tham gia sâu vào quá trình của doanh nghiệp kết quả kinh doanh của Sabeco chắc chắn sẽ cải thiện, qua đó các chỉ số tài chính sẽ tích cực trở lại" - ông Đỗ Bảo Ngọc - Chuyên gia phân tích cao cấp CTCK MB nói.

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì đợt chào bán cạnh tranh Sabeco - thương hiệu Sabeco chính là một trong những yếu tố được các đối tác đánh giá cao nhất. Bộ cũng khẳng định sau bán vốn, Sabeco vẫn là doanh nghiệp Việt Nam và Bộ Công Thương vẫn có quyền phủ quyết một số vấn đề của doanh nghiệp.

Ông Bùi Trường Thắng - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nói: "Nếu mua thương hiệu, doanh nghiệp sẽ không bao giờ đánh mất và hủy thương hiệu đó vì như vậy là họ tự phá vỡ mục tiêu về kinh tế. Còn Nhà nước vẫn giữ lại 36 % để giữ quyền phủ quyết, trong đó quyền phủ quyết liên quan đến nhiều vấn đề về ngành nghề kinh doanh, đầu tư, quyền về thương hiệu. Đây là một trong những giải pháp để bảo vệ thương hiệu bia Sài gòn".

Việc Bộ Công Thương thoái hơn 53% cổ phần tại Sabeco, hay trước đó là SCIC thoái 3,33% cổ phần tại Vinamilk hoàn toàn nằm trong lộ trình thoái vốn của Chính phủ. Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối ở những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020, quy mô thoái vốn của hơn 400 doanh nghiệp có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Cuộc thoái vốn ở Sabeco dự báo sẽ nhiều kịch tính Cuộc thoái vốn ở Sabeco dự báo sẽ nhiều kịch tính

VTV.vn - Các chuyên gia đánh giá, cuộc thoái vốn lịch sử ở công ty cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn Sabeco dự báo sẽ nhiều kịch tính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước