Bộ Giao thông Vận tải: Không để phí trùng phí đường bộ cao tốc

P.V-Thứ bảy, ngày 10/08/2024 12:49 GMT+7

Một dự án đường bộ cao tốc được đưa vào vận hành và khai thác.

VTV.vn - Theo dự kiến của Bộ Giao thông Vận tải có 10 tuyến cao tốc dự kiến thu phí theo quy định tại Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến việc thu phí này với các dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng phí trùng phí.

Cả nước hiện có 12 dự án, đoạn tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu đã đưa vào khai thác. Trong số đó, 10 tuyến cao tốc dự kiến thu phí đường bộ cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đối với các dự án BOT, trong số các dự án đường cao tốc Nhà nước đầu tư trước năm 2020 có đoạn tuyến có quốc lộ song hành là dự án BOT thu phí, Bộ Giao thông Vận tải có thể xem xét thu phí đối với các dự án này. Bởi, Nhà nước đã thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.

Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải, đường cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với tuyến quốc lộ song hành. Người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ song hành (không phải trả thêm tiền sử dụng đường cao tốc) hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

"Việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác không gây phí trùng phí", Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Mức thu tiền sử dụng đường cao tốc được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được, khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc và khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải cũng thông tin, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc cũng sẽ chỉ được thực hiện sau khi công trình đường bộ cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.

Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng quy định tại Luật Đường bộ, việc thu phí sẽ được triển khai sau khi đáp ứng điều kiện nêu trên.

Thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác là nội dung mới được ghi nhận trong Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận, mà để có nguồn vốn đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cao tốc.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến góp ý về nội dung này tại dự thảo nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, nhằm hướng dẫn Luật Đường bộ 2024 tới đây./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước