Bộ Giao thông Vận tải nói gì về trạm thu phí BOT Thanh Nê?

TTXVN-Thứ ba, ngày 23/08/2022 15:26 GMT+7

VTV.vn - Nếu tỉnh Thái Bình có công văn đề xuất giải pháp để giải quyết bất cập tại trạm thu phí Thanh Nê, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tích cực hỗ trợ địa phương.

Liên quan đến tình hình tại trạm thu phí BOT 39 (Km 13+250 đường tỉnh 458 (đường 39B) thuộc địa phận xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (Trạm thu phí BOT Thanh Nê), một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, hiện Bộ chưa nhận được báo cáo của tỉnh Thái Bình về vấn đề trạm thu phí BOT Thanh Nê cũng như đề xuất Bộ Giao thông Vận tải gợi ý hướng xử lý cho trạm này.

Theo các quy định của pháp luật, cơ quan chủ quản ký hợp đồng dự án BOT này là tỉnh Thái Bình vì dự án nằm trên đường tỉnh 458. Như vậy, theo quy định phân cấp, phân quyền, tỉnh Thái Bình sẽ có trách nhiệm giải quyết vấn đề trên. Các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình cũng đang rất nỗ lực để đưa ra hướng giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Hiện tại, tình hình an ninh trật tự tại trạm BOT Thanh Nê đã giảm nhiệt.

Tuy nhiên, với tư cách là Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Giao thông Vận tải vẫn theo dõi sát các diễn biến tại đây. Bộ cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm xử lý bất cập và cùng địa phương bàn bạc hướng xử lý cụ thể tại trạm BOT Thanh Nê.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ thêm, nếu tỉnh Thái Bình có công văn đề xuất giải pháp để giải quyết bất cập tại trạm thu phí Thanh Nê, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tích cực hỗ trợ địa phương cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thêm về mặt nghiệp vụ để tìm ra các giải pháp khắc phục.

Bộ Giao thông Vận tải nói gì về trạm thu phí BOT Thanh Nê? - Ảnh 1.

Các phương tiện lưu thông qua trạm BOT Thanh Nê (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). (Ảnh: TTXVN)

Trước lo ngại tình hình an ninh trật tự tại trạm BOT Thanh Nê khi dịp nghỉ lễ 2/9 và ngày khai giảng năm học mới sắp đến, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các Sở Giao thông Vận tải địa phương phải đảm bảo lưu thông thông suốt dịp nghỉ lễ và khai giảng năm học mới.

Riêng tại các trạm thu phí BOT, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu tăng cường đảm bảo trật tư, an toàn giao thông tại các khu vực này. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư BOT thực hiện việc xả trạm khi có ùn ứ kéo dài.

Chia sẻ thêm về những bất cập tại các dự án BOT nói chung, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, việc triển khai dự án BOT là một thỏa thuận nên phải xem xét việc nhà đầu tư BOT đã thực hiện hết các thỏa thuận của mình theo cam kết của hợp đồng hay chưa. Về phía cơ quan có thẩm quyền đã đảm bảo các quyền lợi của nhà đầu tư hay chưa? Doanh nghiệp BOT cũng là một doanh nghiệp, nên phải đối xử công bằng như các doanh nghiệp khác.

Trở lại một loạt các vấn đề đặt ra là tại sao dự án BOT đường tỉnh 458 (Thái Bình) lại làm tuyến tránh và sửa chữa, nâng cấp tuyến cũ; không thực hiện mở rộng đường hiện hữu hay nếu làm mở rộng thì người dân có phản đối không, ông Lê Kim Thành cho hay, một con đường được tính toán, đánh giá không đảm bảo quy mô và khả năng khai thác khi lưu lượng có sự gia tăng dẫn đến nguy cơ ách tắc giao thông, từ đó, trước tiên là phải mở rộng đường.

Tuy nhiên, việc mở rộng sẽ liên quan đến giải phóng mặt bằng, di dời các công trình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Sau khi tính toán, phương án tốt nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất là khôi phục đường cũ qua việc nâng cấp, duy tu bảo dưỡng và làm thêm tuyến tránh bên cạnh. Khi đó, năng lực của cả tuyến chính và tuyến tránh cộng lại sẽ đảm bảo lưu lượng xe có sự tăng trưởng qua các năm.

"Song song với việc này, phải tổ chức lại giao thông theo hướng phân lưu là: Chỉ cho một bộ phận đi bên tuyến cũ nếu không thu phí trên tuyến cũ. Còn lại phải đi vào tuyến tránh vì nhà đầu tư cũng đã bỏ tiền làm cả hai con đường. Nếu không thực hiện phân lưu thì phải làm trạm thu phí cả tuyến mới và tuyến cũ để đảm bảo phương án tài chính cho dự án", ông Lê Kim Thành chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ PPP Lê Kim Thành thừa nhận, có sự bất cập khi thu phí lượt (trạm thu phí hở), có những người dân ở quanh khu vực trạm BOT sử dụng đoạn đường không nhiều nhưng vẫn phải trả tiền cho cả đoạn đường. Khi thu phí hình thức này, không đánh giá hết được khả năng phục vụ của công trình là sử dụng dịch vụ thế nào thì trả phí thế đó.

Như vậy, thu phí theo hình thức vé lượt không thể tuyệt đối công bằng cho tất cả các đối tượng. Để giải quyết bất cập này, cơ quan nhà nước đã yêu cầu các chủ đầu tư BOT thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho những đối tượng khu vực lân cận với bán kính phù hợp. Như vậy, nhà nước đã đàm phán với doanh nghiệp để đưa ra phương án hài hòa lợi ích các bên.

Nhìn từ trạm thu phí BOT Thanh Nê, câu chuyện giải quyết bất cập BOT là vấn đề nóng trong nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây. Một chuyên gia giao thông cho rằng, hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng đang có một số dự án BOT bất cập cần xử lý, sau nhiều lần báo cáo cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết nhưng đến nay cũng còn nhiều lúng túng. Do vậy, việc xử lý các trạm BOT do địa phương quản lý còn lúng túng cũng là điều dễ hiểu.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhìn nhận, sau khi đi vào khai thác thu phí hoàn vốn theo lộ trình các dự án BOT đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về chất lượng, trình tự phương thức thực hiện đặc biệt là tình trạng lộn xộn trong vấn đề thu phí gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc của người dân xung quanh các dự án BOT giao thông chính là việc đặt trạm thu phí, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dự án BOT. Cụ thể, nhiều trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lý.

"Đáng chú ý, theo quy định, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới. Nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu", TS. Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận.

Trở lại câu chuyện trạm thu phí BOT Thanh Nê, sau hơn 5 năm đi vào khai thác, trạm thu phí này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thu phí hoàn vốn cho dự án. Để khắc phục tình trạng thất thoát phí sử dụng dịch vụ đường bộ và đảm bảo việc thực hiện chủ trương thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT 39 từ ngày 15/8 vừa qua, Công ty cổ phần Tasco đã triển khai việc thu phí đồng bộ và quyết liệt đối với các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT 39. Đây là nguyên do dẫn đến căng thẳng của trạm thu phí này suốt một tuần qua.

Theo đại diện Công ty cổ phần Tasco (chủ đầu tư dự án BOT 39) cho hay, dự án trên được đưa vào khai thác từ 1/1/2017. Trong 5 năm qua, kể từ khi dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn, nhiều phương tiện trốn tránh, không trả phí sử dụng đường bộ dẫn đến nguồn thu của dự án thất thoát, giảm sút lớn. Đến nay, chủ đầu tư mới chỉ thu phí hoàn vốn được 16,4% theo kế hoạch, không đảm bảo phương án tài chính đã đề ra.

Cũng theo đại diện Tasco, căn cứ pháp lý của việc hoạt động trạm BOT là UBND tỉnh Thái Bình cho phép nhà đầu tư thu phí hoàn vốn qua trạm BOT Thanh Nê. Vị trí đặt trạm được các bộ, ngành chấp thuận và địa phương là tỉnh quyết định cho lập tại đây.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) có chiều dài gần 30 km, được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu gần 2.100 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Do chi phí giải phóng mặt bằng tăng và điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên hơn 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ chỉ bố trí vốn cho dự án 1.437 tỷ đồng, số vốn còn thiếu lên tới 1.165 tỷ đồng. Ngày 6/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề xuất Thủ tướng chuyển đổi hình thức thực hiện dự án từ BT sang BT+BOT để giải quyết khó khăn về vốn.

Theo đó, tỉnh bố trí từ ngân sách 445 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Số vốn khoảng 720 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT và tổ chức thu phí dự kiến trong 21 năm để hoàn vốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước