Đây là vấn đề rất đáng quan tâm khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đang yếu thế so với các DN nước ngoài. Ngoài ra, vấn đề ùn ứ kéo dài tại các cảng biển thời gian qua cũng đang là áp lực đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ.
Một trong những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp vận tải biển đang phải đối mặt đó là nguồn vốn. Không chỉ thiếu vốn để đầu tư phát triển đội tàu, mà thiếu cả vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn, các ngân hàng lại tỏ ra không mặn mà cho các doanh nghiệp vận tải biển vay vốn. Bên cạnh đó, lãi suất giữa ngân hàng trong nước và nước ngoài cũng khác nhau. Cụ thể các doanh nghiệp trong nước phải vay vốn ở mức lãi suất trên 10% năm, trong khi các doanh nghiệp vận tải nước ngoài chỉ phải trả ở mức 2% năm. Điều này phần nào lý giải vì sao các DN vận tải biển nước ngoài đang ngày càng chiếm ưu thế so với các DN trong nước.
Đối với cảng biển, năng lực bốc xếp giải phóng hàng cũng gặp khó khăn, vì thế tại các cảng biển hiện nay xảy ra tình trạng nhiều tàu biển bị biến thành kho lưu trữ sau khi cập cảng. Trước tình hình này, nhiều DN đưa ra đề xuất nên nghiên cứu giảm giá thuê đất, vì các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở vùng ngoại đê, những vùng đất sâu nhưng giá thuê đất vẫn đắt gấp 9 lần so với năm 2010.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển cảng biển trên cả nước, nhằm đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kết nối được với đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không. Đồng thời, Luật Hàng hải cũng đang được Bộ nghiên cứu sửa đổi để trình Chính phủ vào tháng 11 và trình Quốc hội tháng 5/2015.