Bỏ hay nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 17/11/2024 07:24 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, một cá nhân hay hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đã bắt đầu phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Điều này được cho là quá bất cập với các cá nhân và hộ kinh doanh. Hiện nay trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, dự kiến sẽ nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên gấp đôi, tức là 200 triệu đồng/năm.

Bỏ hay nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh? - Ảnh 1.

Nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm, sẽ có khoảng trên 620.000 hộ kinh doanh không phải nộp thuế

Theo các chuyên gia, năm 2014, GDP bình quân đầu người ở mức khoảng 40 triệu đồng/người, trong khi năm 2023 con số này ở mức 101,9 triệu đồng/người, tức là tăng khoảng gấp 2,5 lần. Chính vì vậy, việc nâng ngưỡng chịu thuế của các hộ kinh doanh thấp nhất cũng nên tăng ở mức tương ứng, từ 250 triệu đồng trở lên.

"Việc xác định ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng thường dựa trên thu nhập bình quân đầu người, bao gồm cả mức chuẩn nghèo và thu nhập bình quân GDP theo từng giai đoạn lịch sử nhất định. Đồng thời, ngưỡng này cũng được xác định dựa trên sự phân bổ nghĩa vụ đóng góp và sự chia sẻ giữa người dân với ngân sách nhà nước", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết.

Bỏ hay nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi

Cũng theo bà Nguyễn thị Cúc, các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng (theo phương pháp khấu trừ), thuế thu nhập doanh nghiệp hay các loại thuế khác, không có trường hợp nào điều chỉnh hay nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế. Trong 10 năm qua, chỉ duy nhất thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh, cụ thể là nâng mức giảm trừ gia cảnh. Tất cả các loại thuế khác vẫn áp dụng nguyên tắc "nước lên thuyền lên" mà không có sự điều chỉnh. Việc điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh là một biện pháp để giảm bớt gánh nặng thuế, chia sẻ khó khăn cho các đối tượng kinh doanh này.

"Trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đang được quốc hội thảo luận, thời gian tới, dự kiến sẽ xem xét hai phương án. Phương án thứ nhất, tăng mức khởi điểm lên 200 triệu đồng. Đồng thời, có thể nghiên cứu và điều chỉnh mức này tùy theo biến động của chỉ số GDP, đảm bảo phù hợp với thực tế kinh tế. Phương án 2, trong bối cảnh Đảng và nhà nước đang thực hiện phân cấp, phân quyền để chủ động trong kinh doanh và quản lý, có thể giao cho Chính phủ quyền quy định mức doanh thu chịu thuế. Hai phương án này sẽ được xem xét để lựa chọn phương án tối ưu nhất, đảm bảo sự hài hòa trong quá trình thực thi", bà Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm.

Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm, sẽ có khoảng trên 620.000 hộ kinh doanh sẽ không phải nộp thuế; nếu tính theo mức là 300 triệu đồng/năm, sẽ có hơn 734.000 hộ kinh doanh được thụ hưởng. Hiện nay trên cả nước có khoảng 2,1 triệu hộ kinh doanh có mã số thuế mà có số doanh thu hộ kinh doanh tổng chi chiếm chưa đến 2% tổng số thu của ngân sách. Vì vậy, việc nâng mức doanh thu chịu thuế của các hộ kinh doanh được cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến số thu của ngân sách.

Bỏ hay nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh? - Ảnh 3.

Việc nâng mức doanh thu chịu thuế của các hộ kinh doanh được cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến số thu của ngân sách

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, xét về tổng thu ngân sách, nguồn thu từ các hộ và cá nhân kinh doanh khá nhỏ, chưa đến 2% nguồn thu ngân sách, thậm chí thấp hơn cả nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân của người lao động hưởng lương. Tuy nhiên, xét về ý nghĩa đóng góp, mỗi đồng tiền thuế từ các hộ và cá nhân kinh doanh đều rất đáng quý đối với ngân sách nhà nước.

"Việc các hộ và cá nhân kinh doanh hoàn thành nghĩa vụ thuế không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là niềm tự hào khi được góp phần xây dựng đất nước. Điều này tạo nên sự hài hòa giữa nghĩa vụ đóng góp của người dân và sự chia sẻ, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người dân", bà Nguyễn Thị Cúc nhận định.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cần cân nhắc rằng khi ngưỡng doanh thu chịu thuế được nâng cao, bởi một số hộ kinh doanh chỉ muốn giữ ở mức doanh thu nhỏ hơn ngưỡng để tránh các nghĩa vụ về thuế. Điều này có thể kìm hãm sự phát triển của họ thành các doanh nghiệp lớn hơn, được hạch toán sổ sách và hưởng các ưu đãi thuế. Vì vậy, cần tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra các phương án điều chỉnh phù hợp.

"Một giải pháp để vừa khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, vừa giảm bớt áp lực nộp thuế, đồng thời tạo điều kiện để các hộ kinh doanh có thể phát triển thành doanh nghiệp lớn hơn là áp dụng thuế lũy tiến từng phần. Theo đó, doanh thu đến 200 triệu đồng/năm sẽ không phải chịu thuế. Tuy nhiên, nếu doanh thu vượt mức 200 triệu đồng, chỉ phần vượt quá sẽ chịu thuế, thay vì tính thuế trên toàn bộ doanh thu như hiện nay. Giải pháp này vừa khuyến khích các hộ kinh doanh nỗ lực phát triển, vừa đảm bảo rằng phần doanh thu tăng thêm vẫn đóng góp nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước", bà Nguyễn Thị Cúc đề xuất.

Việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế không chỉ đang là vấn đề được quan tâm ở trong nước mà ở các nước phát triển khác như Nhật Bản cũng đang đưa ra vấn đề này để bàn luận, để hỗ trợ nhiều hơn cho các cá nhân cũng như hộ kinh doanh tại quốc gia này.

Bỏ hay nâng ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh? - Ảnh 4.

Đảng Đối lập Dân chủ nhân dân Nhật Bản đã gia tăng sức ép với liên minh cầm quyền phải nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế lên mức là 1,78 triệu yên, tương đương với 290 triệu đồng

"Hiện nay, Nhật Bản đã tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 5% lên 7%, trong khi thuế thu nhập cá nhân của họ được giữ nguyên từ năm 1995 đến nay. Ở Việt Nam, lần điều chỉnh gần đây nhất về thuế thu nhập cá nhân là vào năm 2020, cho thấy sự linh hoạt hơn trong chính sách thuế. Ngoài ra, Nhật Bản chỉ tăng 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ năm 1995, trong khi Việt Nam đã tăng 200% trong vòng 10 năm kể từ khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng. Khi so sánh mức điều tiết giảm trừ thuế giữa Việt Nam và Nhật Bản, nếu tính tương ứng thu nhập bình quân, tỷ lệ giảm trừ của Việt Nam cao hơn đáng kể, mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản", bà Nguyễn Thị Cúc đánh giá.

Theo kế hoạch, những thay đổi về ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng với cá nhân và hộ gia đình cùng nhiều nội dung có trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua vào ngày 26/11 tới. Đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam, tuy nhiên, người kinh doanh nhỏ không được giảm, trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Trong lúc kinh tế còn khó khăn như hiện nay, rất cần các chính sách khuyến khích để các hộ kinh doanh có thể làm ăn được, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo công việc làm cho người dân. Từ đó, tích lũy rồi tiến tới hình thành các doanh nghiệp siêu nhỏ, rồi doanh nghiệp nhỏ theo lộ trình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước