Đại dịch COVID-19 và các biện pháp đối phó để kiềm chế sự lây lan đã tác động lớn đối với nền kinh tế Anh. (Ảnh: Globthailand)
Đồng thời, ông Rishi Sunak cho hay, ông phản đối khả năng áp đặt trở lại các biện pháp kinh tế khắc khổ.
Tuyên bố trên được đưa ra trước khi ông Sunak công bố dự thảo chi tiêu chính phủ năm 2021 vào ngày 25/11. Phát biểu với hãng Sky News, ông Sunak cho biết những dự báo kinh tế cùng với dự thảo chi tiêu chính phủ sắp được công bố sẽ cho thấy "sức ép khủng khiếp mà nền kinh tế Anh đang trải qua". Theo ông, chi tiêu của chính phủ sẽ tiếp tục tăng như mức chi tiêu công tăng từng ngày trong năm 2020.
Bất chấp những tác động nghiêm trọng mà đại dịch gây ra khiến thâm hụt ngân sách quốc gia lên tới 2.000 tỷ bảng Anh (2.700 tỷ USD), ông Sunak vẫn phản đối khả năng áp đặt trở lại các biện pháp kinh tế khắc khổ.
Anh là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 tại châu Âu, với 1,4 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 54.000 ca tử vong. Chính phủ Anh đầu tháng này đã áp đặt lệnh phong tỏa trong bốn tuần tại vùng England nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Theo đó, người dân phải ở trong nhà, các cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa.
Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa này sẽ được dỡ bỏ một phần vào ngày 2/12, giúp một số cơ sở kinh doanh có thể trở lại hoạt động. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa, Chính phủ Anh sẽ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế gồm 3 cấp tại England trong khuôn khổ "Kế hoạch phòng COVID-19 mùa Đông".
Trước đó, ngày 21/11, Bộ Tài chính Anh đã công bố hỗ trợ 3 tỷ bảng (khoảng 3,9 tỷ USD) cho Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) nhằm giải quyết tác động của dịch COVID-19. Trong đó, 1 tỷ bảng sẽ được dành để giải quyết những công việc tồn đọng trong ngành y tế, như thanh toán 1 triệu hóa đơn chiếu chụp, phẫu thuật bổ sung cho những bệnh nhân bị gián đoạn điều trị kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!