Tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát đúng với tình hình thực tế. Ông cho biết, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, nước ta đạt được kết quả hết sức tích cực. Các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức thời gian tới cần lưu ý như tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm qua đạt 5,2%, trong khi đó, mục tiêu 5 năm đặt ra là 6,5-7% là thách thức.
Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua hồi phục chậm, áp lực cạnh tranh gia tăng ở các thị trường ngoại và nội địa, kéo theo đó là những vấn đề về tín dụng, đầu tư…
"Chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, chất lượng tăng năng suất đạt thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; một số thị trường vàng, bất động sản, giá vé máy bay… còn nhiều thách thức", ông Dũng nói.
Chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, niềm tin của thị trường hay tâm lý của xã hội có lúc có nơi còn thận trọng trong bối cảnh thế giới đang còn nhiều bất định, rủi ro. Quá trình già hoá dân số nhanh hơn; khoa học - công nghệ chậm chuyển biến và chưa thực sự là động lực cho phát triển kinh tế.
"Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức cũng làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
5 giải pháp lớn phát triển kinh tế - xã hội
Về các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn.
Thứ nhất, thực hiện quyết liệt và đồng bộ hiệu quả các chính sách, đảm bảo cho phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước. Chuẩn bị các điều kiện tốt trong thu hút FDI.
Ông Dũng nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương phải thực sự đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp bởi "nếu chỉ có Quốc hội, Chính phủ thì không đủ vì còn rất nhiều vấn đề liên quan đến địa phương".
Giải pháp thứ hai, theo ông Dũng là thúc đẩy các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và triển khai động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn hay một số ngành mới nổi như chíp bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo…
Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các hạ tầng chiến lược.
Thứ tư, tập trung cải cách thể chế, theo hướng phân cấp phân quyền mạnh hơn cho địa phương, để giải quyết những vướng mắc bất cập hiện nay, hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất rõ ràng, khắc phục được tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức.
Bộ trưởng cũng nhắc đến việc sửa đổi, ban hành văn bản thi hành về Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho áp dụng sớm từ ngày 1/7/2024. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Dũng cũng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án nhóm B, nhóm C; Phân cấp cho các địa phương phê duyệt kế hoạch để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; Phân cấp cho các địa phương thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
"Nếu những vấn đề này được cho phép thì sẽ tháo gỡ, giải quyết được rất nhiều vướng mắc hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 5 giải pháp lớn phát triển kinh tế - xã hội
Giải pháp thứ 5, Bộ trưởng cho biết, sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép sơ kết, tổng kết, đánh giá các cơ chế chính sách đặc thù đã áp dụng cho 10 tỉnh, thành hiện nay.
"Nếu như cơ chế chính sách nào đã rõ, đã phù hợp với tình hình thực tiễn pháp luật hiện nay thì cho phép nhân rộng và cho phép các địa phương khác cùng thực hiện trước. Và có thể bằng một Nghị quyết của Quốc hội trong khi chưa thể sửa các luật liên quan", ông Dũng kiến nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát lại Luật Đầu tư công trong đó có ODA, Luật PPP, Luật Đấu thầu để xử lý các vướng mắc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nói về tình hình doanh nghiệp, Bộ trưởng Dũng đánh giá đã có chuyển biến tốt trong 5 tháng đầu năm 2024. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt 20.000 doanh nghiệp mỗi tháng và tổng 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới đã lớn hơn số rút lui khỏi thị trường.
"Đây là dấu hiệu hết sức tích cực và Chính phủ sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới để phát triển", ông Dũng khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!