Bố trí nguồn lực đủ mạnh để phát triển kinh tế biển

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 22/04/2024 11:37 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế thủy sản được xác định là ngành quan trọng của kinh tế biển.

Bố trí nguồn lực đủ mạnh để phát triển kinh tế biển

Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong ngắn hạn, Trung ương sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực đủ mạnh để tạo động lực, hướng đến mục tiêu Việt Nam là quốc gia mạnh về kinh tế biển

Hiện tại, quy mô kinh tế biển vẫn còn nhỏ, chưa thể tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Một số thách thức cụ thể bao gồm hệ thống giao thông ven biển chưa đồng bộ, thiếu các cảng biển lớn và cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa đủ hấp dẫn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng rà soát các quy hoạch, ưu tiên các dự án đầu tư tạo đột phá và những ngành nghề mới trong lĩnh vực kinh tế biển.

Đa dạng kinh tế biển từ làng chài

Kinh tế thủy sản được xác định là ngành quan trọng của kinh tế biển. Khắc phục thẻ vàng thủy sản đã trở thành cơ hội để Việt Nam tổ chức lại theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng. Nói không với khai thác tận diệt, chuyển đổi nghề thân thiện với môi trường, phát triển sinh kế mới gắn với kinh tế biển.

Cách đây 10 năm, tại Làng chài Nhơn Lý, người dân chỉ biết sống nhờ nghề biển. Nhưng nay thì khác. Đi biển chỉ còn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Thay vào đó là sự xuất hiện của homestay, nhà hàng, quán cafe view biển và các tour du lịch độc đáo.

Con đường vào làng giờ khoác áo mới. Bà con đã biết đưa nghề biển trở thành các bức họa trên tường nhà để hấp dẫn khách du lịch. Ngôi nhà của ông Nguyễn Hương - Làng chài Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, Bình Định đang được chăm chút để đẹp hơn. Kinh tế biển với những ngư dân như ông đã không còn mỗi chuyện đi biển.

Ông Nguyễn Hương - Làng chài Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, Bình Định cho biết, với du lịch biển, khách hàng đến đây rất sôi động, giúp cuộc sống của người dân giờ thoải mái hơn đi làm biển.

Xã Nhơn Lý hiện cũng là một trong 4 tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản. Làng đã được địa phương giao quản lý bãi Dứa rộng 8ha, nơi có hệ sinh thái rạn san hô ven bờ; là nơi cư ngụ của các loài đặc hữu như tôm hùm giống, rùa biển, rong mơ. Từ bảo vệ bền vững nguồn lợi, các hoạt động sinh kế của cộng đồng ngư dân ở đây cũng đã phát triển đa dạng hơn gắn với du lịch biển.

Bố trí nguồn lực đủ mạnh để phát triển kinh tế biển - Ảnh 1.

Nuôi thủy sản gắn với du lịch, cảng cá gắn du lịch, sự chuyển đổi này đã giúp cho bộ mặt kinh tế xã hội thay đổi từng ngày

Anh Nguyễn Hữu Đảo - Thành viên tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý, Bình Định nhận định: "Hàng năm, mình quan trắc. Mục đích quan trắc để xem độ phủ và độ phát triển san hô như thế nào và các loài sinh vật biển tồn tại dưới đó như ốc, tôm, cá tiến triển không. Và đặc biệt qua hai năm hoạt động, mỗi năm độ phủ càng hơn, số lượng nhiều. 

Bên cạnh đó, tạo môi trường hiện tại xã phát triển du lịch, khách du lịch biển đảo thích ngắm san hô và hoạt động ngắm san hô là một điểm thu hút khách nhất ở Eo Gió và Nhơn Lý. Và các thành viên trong tổ cộng đồng cũng có những hoạt động kinh doanh dựa vào đó phát triển mạnh. Ngày xưa chỉ có đánh bắt, giờ vừa khai thác du lịch, vừa làm nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ san hô và đặc biệt bảo vệ các loài trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng như các loại rùa. Nhận thức của bà con dần dần nâng cao hơn".

Trung bình mỗi tháng làng có hàng trăm lượt khách ghé thăm. Du lịch đang chiếm 60-70% cơ cấu kinh tế. Sắp tới đây, nếu có thêm nuôi biển thì đánh bắt sẽ còn giảm mạnh. Thực tế ở xã Nhơn lý cho thấy tiềm năng đa dạng kinh tế của các làng biển là rất lớn bởi yếu tố vị trí, thời tiết, tài nguyên biển.

Kinh tế thủy sản sẽ đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp

Nuôi thủy sản gắn với du lịch, cảng cá gắn du lịch, sự chuyển đổi này đã giúp cho bộ mặt kinh tế xã hội ở xã Nhơn Lý thay đổi từng ngày. Ngay khu vực cảng cá, chỉ một thôn cũng có 50 ca nô chở khách du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, Bình Định nêu ý kiến: "Bà con nông dân làm các tour du lịch chở khách đi biển đảo, mở rộng kinh doanh các nhà hàng, gần đây, bà con làm các sản phẩm du lịch mới hơn như các tour du lịch câu mực đêm, cắm trại đêm, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Chính vì vậy, những năm qua, thu nhập và đời sống của bà con rất ổn định".

Ở Nhơn Lý hiện nay, nếu một gia đình có hai con trai, chỉ một người đi biển, còn một người sẽ làm các dịch vụ trên bờ. Giảm đánh bắt, đa dạng sinh kế đã góp phần khai thác hiệu quả chiều dài 134 km bờ biển của tỉnh Bình Định nói riêng cũng như 3200 km bờ biển của Việt Nam nói chung trong tương lai.

Theo đề án của Viện Kinh tế và quy hoạch Thủy sản, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản sẽ đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng là 70-75%, phấn đấu nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18- 20 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tại chỗ, thông qua du lịch và khách quốc tế khoảng 1,3 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước