Phát biểu khai mạc Hội nghị tham vấn tham vấn xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế dựa vào mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững không những gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn không tính đến đầy đủ các khía cạnh về công bằng xã hội, bình đẳng giới, hòa nhập và cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai.
“Các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu suy nghĩ lại về các lựa chọn để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững trước mối quan tâm ngày càng tăng về việc duy trì và bảo vệ nguồn vốn tự nhiên”, ông Dũng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Theo ông Dũng, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Xu thế này là lựa chọn tất yếu khách quan, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Và Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, và gia tăng các yếu tố tác động từ bên ngoài.
“Ngã rẽ” COVID-19
Hơn một năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Song đại dịch cũng đang làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự chuyển dịch mạnh mẽ của kinh tế số.
Bên cạnh những thách thức, COVID-19 cũng tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe cũng như tận dụng những thay đổi tích cực từ chính đại dịch.
“Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh 2030 hướng tới nền kinh tế trung tính carbon trong dài hạn là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh mới, đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, giúp Việt Nam đón đầu cơ hội và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc xây dựng “Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050” phù hợp với bối cảnh mới là mục tiêu và ưu tiên cấp thiết giúp Việt Nam đi tắt đón đầu.
Trước đó trong báo cáo “Điểm lại” của Ngân hàng thế giới vào cuối tháng 12/2020, bà Carolyn Turk (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho biết Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau COVID-19. Quốc gia này đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn, và nhờ đó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và hay thảm họa thiên nhiên.
Sắp trình Thủ tướng Chiến lược quốc gia mới về tăng trưởng xanh
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chia sẻ một số nội dung chủ yếu của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh 2030.
Theo đó, chiến lược này có kế thừa có chọn lọc các kết quả của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020, hoàn thiện phương pháp luận để định lượng các mục tiêu và lộ trình thực hiện.
Cụ thể, các kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên được xây dựng thông qua việc sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, đặc biệt chú trọng phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược, đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.
Chiến lược thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ và gắn kết của Việt Nam trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế và là cơ sở để cân đối các nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, hài hòa lộ trình phát triển kinh tế-xã hội với các mục tiêu giảm phát thải, giúp tăng cường hiệu quả phân bổ đầu tư công và giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong trung hạn và dài hạn.
Theo ông Lê Việt Anh, chiến lược là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam xây dựng xã hội nhân văn hướng tới phát triển bao trùm, mở rộng độ bao phủ đối với các ngành còn ít được quan tâm trong quá trình thực hiện Chiến lược giai đoạn trước như giáo dục, y tế, trẻ em…
Dự thảo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 dự kiến được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2021
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, Đại sứ quán Hàn Quốc, Hà Lan, Anh Quốc… và các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, UNDP, UNIDO, UNICE, GiZ, KOICA… cùng các chuyên gia đã có nhiều ý kiến góp ý và nhất trí cao với những điểm mới, khả thi của Chiến lược. Các quốc gia, đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Chiến lược.
Dự thảo Chiến lược sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!