Phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ" là một điểm nhấn trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, được đề cập trong báo cáo thẩm tra tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày trước Quốc hội ngày 24/3.
Thời gian qua đã có có 3 làn sóng cải cách thủ tục hành chính. Đầu tiên là 3.500/6.000 điều kiện kinh doanh được gỡ bỏ. Thứ hai, cắt giảm và đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính và 75% dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Thứ ba, ngay trong năm 2020, mục tiêu đặt ra là tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa 20% các quy định hành chính còn lại và chí phí tuân thủ về kinh doanh.
Dù thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, nhưng với cam kết mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện bền bỉ và với những hành động cụ thể, kết quả là đã có những chuyển biến tích cực được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Cải thiện môi trường kinh doanh: Cam kết mạnh mẽ, thực hiện bền bỉ
Nhiệm kỳ qua đã có 5.500 cuộc làm việc, hội nghị xúc tiến đầu tư của hầu hết các tỉnh, thành, vùng kinh tế trọng điểm và của những ngành mũi nhọn từ du lịch, đến lúa gạo, trái cây, thủy sản và chế biến gỗ. Gần 2.200 kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp đã được giải quyết.
"Gần 2.000 ngày của nhiệm kỳ này thì chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên để chính phủ lắng nghe, truyền cảm hứng và đưa hơi thở cuộc sống vào chính sách. Cải cách thể chế được tăng tốc", ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.
Việt Nam tăng 8 bậc về môi trường kinh doanh, xếp hạng 70/190 quốc gia. Ảnh minh họa.
Một điểm mới đột phá chưa từng có trước đây là việc thành lập riêng một tổ công tác của Thủ tướng để thúc đẩy cải thiện thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy một chính phủ điện tử.
Nhiệm kỳ qua cũng đã triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030 với mục tiêu Việt Nam vào top 50 về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu.
Sức sản xuất của doanh nghiệp được giải phóng
Tính chung gần 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội 112 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết. Đồng thời ban hành 745 nghị định, tức trung bình cứ hơn hai ngày, lại có một nghị định được đưa vào cuộc sống. Khi những rào cản được gỡ bỏ, những quy định, hướng dẫn được minh bạch hơn khi đó sức sản xuất của doanh nghiệp sẽ được giải phóng.
Minh chứng rõ nhất là số lượng doanh nghiệp mới được thành lập trong hơn 4 năm qua đã gần bằng với tổng số doanh nghiệp từ trước đó cộng lại, tổng cộng hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp. Cùng với 5,4 triệu hộ kinh doanh đã tạo ra nguồn lực tương đương 1/3 tổng sản phẩm trong nước.
Cùng với đó, 90 tỷ USD là con số được các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 5 năm qua, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây.
90 tỷ USD là con số được các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 5 năm qua. Ảnh minh họa.
Không chỉ yếu tố thể chế, mà các cân đối kinh tế vĩ mô cũng được định hướng lấy ổn định là trọng tâm, từ đó tránh gây bất kỳ cú sốc nào đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhận định của chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới về Việt Nam cho hay: Có ở ngoài nhìn vào mới thấy sự ổn định cả về chính trị và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam quan trọng như thế nào.
Nhìn lại cụm từ Chính phủ kiến tạo, cách lý giải ngắn gọn nhất chính là "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Ngắn gọn nhưng chắc chắn không hề đơn giản và không thể là công việc của một nhiệm kỳ. Quan trọng nhất, như nhận định của một chuyên gia kinh tế là những hòn đá tảng - sức ỳ đè nặng lên môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đã bắt đầu dịch chuyển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!