Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói gì về quy định chờ tắt/mở quảng cáo tối đa 1,5 giây?

Thùy An-Thứ tư, ngày 02/06/2021 09:52 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh quyền "chủ động" của độc giả cũng như khẳng định quy định này không ảnh hướng đến doanh thu của báo điện tử.

Nội dung liên quan đến Nghị định 38 là trọng tâm của Hội nghị giao ban báo chí vào ngày hôm qua (1/6) của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tại đây Bộ đã có trả lời về quy định "thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo 1,5 giây" – quy định mà nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ "chói chân" các cơ quan báo chí trong nước.

"Chủ động" là quyền của độc giả

Trả lời câu hỏi về việc thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định là 1,5 giây sẽ khiến giảm doanh thu, ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết Các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định (không gian, thời lượng) dành riêng cho quảng cáo nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có.

Vì vậy việc quy định đối với báo điện tử hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định nhưng phải "bảo đảm thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây".

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói gì về quy định chờ tắt/mở quảng cáo tối đa 1,5 giây? - Ảnh 1.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh quyền "chủ động" của độc giả trong quy định chờ tắt/mở quảng cáo tối đa 1,5 giây

"Phải rất chú ý từ "chủ động", vì đó là quyền của độc giả vì nếu đang xem tin tức quan trọng họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không có khống chế thời gian", Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Do đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng có 2 yêu cầu của người xem: một là có phím để tắt (mở), hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Cũng theo Bộ này, quy định trên đã có trong Luật Quảng cáo, vì vậy các báo điện tử đã phải thực hiện quy định đó trong thời gian gần 10 năm. Hành vi, mức xử phạt cũng được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP trong suốt thời gian này, vì vậy việc thực thi Nghị định số 38/2021/NĐ-CP không có tác động đến doanh thu của báo điện tử.

Dễ người, khó ta?

Cũng liên quan đến quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo 1,5 giây, nhiều ý kiến cho rằng các trang mạng xã hội, YouTube không bị điều chỉnh bởi quy định trên. Và điều này sẽ khiến báo chí trong nước thua thiệt?

Trả lời vấn đề này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội… Với vai trò quan trọng như vậy, việc có các quy định riêng về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết, đúng theo chức năng, cơ cấu, tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói gì về quy định chờ tắt/mở quảng cáo tối đa 1,5 giây? - Ảnh 2.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng việc quy định và áp dụng với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống cơ quan báo chí

Các mạng xã hội, YouTube… không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác, hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

"Vì vậy, việc quy định và áp dụng với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống cơ quan báo chí", Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết.

Tiếp thu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết trong tình hình hiện nay, trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí) nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật Quảng cáo.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cho biết sắp tới đây sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước