“Bom nợ” Evergrande liệu có phát nổ?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 25/09/2021 12:10 GMT+7

VTV.vn - Evergrande là cái tên "chiếm sóng" nhiều nhất trên thị trường tài chính tuần qua không chỉ tại Trung Quốc mà cả thế giới.

Sự quan tâm của những người theo dõi thời sự với khả năng vỡ nợ của một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc nằm ở câu hỏi: Liệu Evergrande có phải là một dạng mô hình "Too Big Too Fail - Quá lớn để bị vỡ" hoặc không thể không giải cứu hay không?

Đối với giới đầu tư, Evergrande sẽ cho họ biết phản ứng của Chính phủ Trung Quốc với những nhà đầu tư nước ngoài và khoảng cách giữa lời hứa với thực tiễn hoạt động ở thị trường Trung Quốc.

Evergrande đang vận hành thế nào?

Mô hình của Evergrande cũng như phần lớn các công ty bất động sản của Trung Quốc, chủ yếu thông qua việc xoay vòng nợ phải trả. Tập đoàn này đấu thầu mua quyền sử dụng các khu đất lớn, sau đó thiết kế, lập dự án bất động sản để rao bán trước cho khách hàng. Tiền đặt cọc của người mua nhà sẽ được dùng để xây dự án.

Evergrande tiếp tục vay nợ dưới hình thức vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu để đấu thầu các lô đất mới. Có đất sau đó lại nhận tiền cọc của người mua để xây nhà. Nợ sẽ được trả khi bán được nhà. Khi thị trường đang phát triển nóng, đây được xem là mô hình lý tưởng cho việc mở rộng đầu tư.

Song chính mô hình vay nợ thiếu kiểm soát trên đã dẫn tới Evergrande đang phải ôm quả "bom nợ" trị giá khoảng 300 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP Trung Quốc trong bối cảnh thanh khoản tín dụng và thị trường không còn như kỳ vọng.

300 tỷ USD tiền nợ gồm cả nợ ngắn hạn và dài hạn. Khoảng 110 tỷ USD là nợ lãi vay liên quan đến trái phiếu phát hành bằng đồng USD và đồng Nhân dân tệ cùng với nợ phải trả lãi từ các khoản vay của ngân hàng.

Còn lại khoảng 190 tỷ USD là các khoản nợ chiếm dụng vốn như từ người mua nhà trả tiền trước, nợ các nhà thầu xây dựng, cung ứng vật liệu và nợ nghĩa vụ thuế.

Trong tổng số nợ này có khoảng 232 tỷ USD là nợ phải trả ngay trong năm 2021. Song lượng tiền mặt Evergrande sở hữu là khoảng 24 tỷ USD. Chỉ bằng 1/10 khoản nợ phải trả ngay trong năm nay.

Sự hỗn loạn xung quanh quả "bom nợ" của Evergrande đã khiến nhiều người liên tưởng đến vụ vỡ nợ của Lehman Brothers - sự kiện đã mở màn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Vậy liệu Evegrande có phải là một "thiên nga đen" mới của thị trường tài chính?

Nhiều trang báo quốc tế đang ví von rằng, vụ việc của Evergrade là một "cú nổ lớn" hay giống như một sự kiện "thiên nga đen" ám chỉ các sự vụ bất ngờ có hậu quả nghiêm trọng.

“Bom nợ” Evergrande liệu có phát nổ? - Ảnh 1.

Evergrande chuyên cung cấp căn hộ chung cư cho nhóm đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và thu nhập cao. Ảnh: DPA

Evergrande là một dạng "tê giác xám"

Trao đổi với phóng viên VTV, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, người có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng: "Evergrande không phải là "thiên nga đen" - ám chỉ các sự kiện bất ngờ nhưng để lại hậu quả lớn, mà nó giống với một dạng "tê giác xám" hơn - ám chỉ các rủi ro to lớn nhưng đã được chú ý thời gian dài".

Trên thực tế, các chính sách quản lý bất động sản mới của Trung Quốc đã xuất hiện từ tháng 8 năm ngoái, ngay khi đó Evergrande đã đối diện với các khó khăn về thanh khoản và phải tìm cách tăng nguồn tiền mặt. Tập đoàn ngay sau đó đã muốn tiến hành IPO 1 công ty con ở sàn Thâm Quyến nhưng bất thành. Thậm chí giới chức Trung Quốc cũng không đồng ý cho công ty "niêm yết cửa sau" để huy động thêm vốn. Ít nhất các vấn đề của Evergrande đã được quan sát trong suốt 1 năm qua.

Trên thực tế, các chính sách quản lý bất động sản mới của Trung Quốc đã xuất hiện từ tháng 8 năm ngoái, ngay khi đó Evergrande đã đối diện với các khó khăn về thanh khoản và phải tìm cách tăng nguồn tiền mặt từ rất nhiều nguồn.

Tập đoàn cũng đã tiến hành IPO mảng quan trọng nhất của mình trên sàn Thâm Quyến nhưng thất bại. Thậm chí, giới chức Trung Quốc cũng không đồng ý cho công ty "niêm yết cửa sau" để huy động thêm vốn.

"Ít nhất các vấn đề của Evergrande đã được quan sát trong suốt 1 năm qua, không phải hiện tượng đến lúc này mới vỡ lở", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho hay

Evergrande tìm cách tăng thanh khoản

Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu ông Hồ Tích Tiến - người đứng đầu trang báo thường được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định trên tài khoản WeChat: "Một khi vấn đề bùng nổ, doanh nghiệp không thể có cảm giác "quá lớn để thất bại". Họ phải có khả năng tự cứu mình. Việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh một cách mù quáng, thao túng tài chính liều lĩnh và đòn bẩy tài chính cao... đều là những cuộc phiêu lưu đòi hỏi sự thuận buồm xuôi gió và may mắn. Evergrande đã kéo căng buồm quá mức".

Nếu phát ngôn trên mạng xã hội trên là quan điểm chính thức của Chính phủ thì giờ Evergrande sẽ phải tự đi bằng đôi chân của chính mình. Tuy nhiên các khả năng tự cứu mình có khả thi hay không?

“Bom nợ” Evergrande liệu có phát nổ? - Ảnh 2.

Một dự án bất động sản còn chưa hoàn thiện của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Reuters.

Giới phân tích chỉ ra có 3 cách để Evergrande có thể tăng thanh khoản lúc này để có nguồn tiền trả nợ.

Thứ nhất, Evergrande cần cố gắng bán đi các tài sản có giá trị và tính thanh khoản cao như bất động sản hay các khoản đầu tư tài chính. Song thực tế, 778 dự án mà Evergrande sở hữu vẫn chưa xây xong, trong khi đã tiến hành giảm giá bán nhà từ 25 - 30% để thu hút người mua.

Chưa kể, chi phí quản lý và bán hàng lớn khiến dòng tiền thu về bị bào mòn. Bên cạnh đó, theo Reuters, Evergrande cũng đã bán bớt cổ phần trong một số mảng kinh doanh đa ngành của mình. Hãng cũng đang tính đến chuyện bán nốt mảng du lịch và nước giải khát, tuy nhiên các thương vụ này sẽ khó hoàn thành trước năm 2022.

Thứ hai, để có tiền lúc này chính là phải đàm phán với các chủ nợ, đặc biệt là nhóm chủ nợ trong nước hiện chiếm khoảng 3/4 các khoản nợ của hãng.

Tháng 8, một số ngân hàng và tổ chức tài chính tại Trung Quốc đã đồng ý cho Evergrande gia hạn các khoản vay dự án. Tuy vậy, theo giới quan sát, lựa chọn này của các chủ nợ Evergrande là rất mạo hiểm.

Cách cuối cùng cũng đã được một số chuyên gia nhắc tới là chuyển nợ thành vốn cổ phần và giảm tỷ lệ sở hữu của tỷ phú Hứa Gia Ấn. Nhà sáng lập Evergrande hiện đang nắm giữ 70% vốn cổ đông của tập đoàn. Phương án này được đánh giá là khả thi trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư hiện vẫn đang sẵn sàng bắt đáy đối với cổ phiếu của Evergrande.

"Bom nợ" Evergrande vỡ tác động sẽ lớn đến đâu?

Có thể thấy Evergrande vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tăng thanh khoản trong ngắn hạn để trả nợ. Câu hỏi được quan tâm nhất lúc này là nếu quả bom nợ Evergrande mà vỡ tác động sẽ lớn đến đâu?

"Xét về cơ cấu nợ và trình tự phá sản, hoạt động phá sản của Evergrande có thể xảy ra và dù nhà đầu tư có thể chịu tổn thất ở mức nào đấy nhưng Chính phủ chỉ cần can thiệp đúng cách sẽ trở về dạng phá sản thông thường", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho hay.

Trên thực tế, dù là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc, song doanh thu của tập đoàn Evergrande năm ngoái cũng chỉ chiếm 3 - 4% doanh số cả thị trường. Theo bình luận của Tiến sĩ Thành, tác động của vụ việc này nếu có vỡ là không quá lớn.

Đặc biệt sẽ không thể gọi Evergrande là một cú nổ giống như sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers kéo theo khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Giá vàng tăng vọt do bất ổn xung quanh 'bom nợ' Evergrande Giá vàng tăng vọt do bất ổn xung quanh "bom nợ" Evergrande Evergrande tiến gần hơn đến kịch bản vỡ nợ Evergrande tiến gần hơn đến kịch bản vỡ nợ Công nhân xây dựng của Evergrande bị nợ lương nhiều tháng Công nhân xây dựng của Evergrande bị nợ lương nhiều tháng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước