Bức tranh FDI "sắp xếp lại" và cơ hội cho Đông Nam Á

VTV Digital-Thứ hai, ngày 08/07/2024 16:26 GMT+7

VTV.vn - Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm mờ nhạt.

Các mảnh ghép trong bức tranh FDI đang bắt đầu tự sắp xếp lại, khác hẳn so với trước đây. Làn sóng FDI đặt cơ sở sản xuất tại những quốc gia đối tác - Friend-shoring và đặt cơ sở sản xuất gần quốc gia tiêu thụ - Near-shoring đang trở thành xu hướng mạnh mẽ hơn.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc là một trong những xung lực chính thúc đẩy đầu tư dịch chuyển chuỗi cung ứng theo hướng Friend-shoring và Near-shoring trong năm 2024, theo kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin đầu tư trực tiếp nước ngoài mới nhất do Công ty tư vấn đầu tư toàn cầu Kearney (Mỹ) thực hiện.

Một phần dòng Friend-shoring đang chảy vào các nước lân cận Trung Quốc với lợi thế về chi phí thấp hơn. Trong khi, xu hướng Near-shoring đang nhắm đến các quốc gia dễ tiếp cận các thị trường phát triển lớn.

Bức tranh FDI sắp xếp lại và cơ hội cho Đông Nam Á - Ảnh 1.

Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm mờ nhạt. Ảnh minh họa - Ảnh: AFP.

Trong top 20 thị trường mới nổi thu hút FDI, có tới 5 cái tên từ Đông Nam Á được liệt kê gồm: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Ông Paulo Medas - Vụ trưởng Vụ các vấn đề tài khoá, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Căng thẳng thương mại luôn là rủi ro lớn và tác động đáng kể tới vốn FDI toàn cầu. Tuy nhiên, không vì thế mà dòng chảy FDI bị ngừng lại. Cơ hội lúc này là dành cho Đông Nam Á".

Ông Jose Vinala - Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered đánh giá: "Đông Nam Á đang là 1 trong 3 động lực tăng trưởng chính của châu Á bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Do vậy, việc dịch chuyển FDI nhiều hơn tới khu vực này là điều dễ hiểu".

Vật liệu bán dẫn và sản xuất pin xe điện là 2 lĩnh vực dự báo đón nhận lượng vốn FDI lớn trong bối cảnh mới. Song các chuyên gia cho rằng, để tham gia vào chuỗi dịch chuyển vốn này là không dễ khi Mỹ và châu Âu yêu cầu đối tác phải có chung hệ giá trị. Điều này được cho sẽ tạo nên một hàng rào, hạn chế dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển - nơi vẫn luôn phụ thuộc vào FDI để có vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và gia tăng xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước