Bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 08/07/2023 17:32 GMT+7

VTV.vn - Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm dù không được như cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng đã có khởi sắc cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực từ các thị trường.

Nhu cầu gạo tại các thị trường lớn

Nửa đầu năm Việt Nam thu về 25 tỷ USD từ xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm. Con số này tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ giảm đã chậm hơn so với quý I.

Gạo là điểm sáng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay. Việt Nam đã xuất bán thành công 4,3 triệu tấn, thu về 2,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 35% về giá trị. Nhìn vào 6 tháng đầu năm nay, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Còn Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thương vụ của Việt Nam tại hai thị trường trên cho biết, nhu cầu gạo từ nay đến cuối năm còn dư địa khá lớn.

Bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm - Ảnh 1.

Gạo là điểm sáng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay. Ảnh minh họa - Dân trí.

Ông Phùng Văn Thành - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết: "Hàng năm, Philippines sản xuất được khoảng 12 - 13 triệu tấn gạo, trong khi đó nhu cầu hàng năm của đất nước này là trên 15 triệu tấn gạo. Do đó mức thiếu hụt của Philippines hàng năm khoảng từ 2,5 - 3 triệu tấn gạo. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam".

Ông Nông Đức Lai - Thám tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nhận định: "Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, tăng gần 70% cao hơn mức hạn ngạch của nước này, tức là 5,3 triệu tấn. Nhưng trong 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gạo của nước này mới chỉ đạt 1,6 triệu tấn, chiếm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, đến cuối năm nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên".

Xuất khẩu thủy sản gặp khó

Hiện nay, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản. Tháng 6, đánh dấu lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt kỷ lục gần 1 tỷ USD trong 1 tháng. Đặc biệt, sầu riêng là mặt hàng có sự tăng trưởng rất mạnh thời gian qua, sau khi được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch.

Trái ngược với sầu riêng, những con tôm lại đang gặp khó trong việc tìm đường xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, thủy sản và lâm sản là 2 nhóm hàng gặp khó khăn, khi sức mua tại các thị trường chính suy giảm.

Bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Nhìn vào các thông số về giá trị xuất khẩu thủy sản từng tháng từ đầu năm tới nay cho thấy đang có sự hồi phục, tháng sau cao hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt gần 4,2 tỷ USD, thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp hiện nay nên cố gắng duy trì các thị trường, triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí. Phần nguyên liệu cần có sự đồng lòng của cả nhà nước, địa phương và doanh nghiệp để tránh nguy cơ thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng đến giai đoạn cuối năm khi tín hiệu thị trường tốt lên".

Nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam

Nhu cầu sụt giảm là một trong những thách thức của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu còn đặt ra những yêu cầu, rào cản ngày càng chặt chẽ.

Nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững. Những yêu cầu đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng sản phẩm.

Trước kia vườn xoài nhà ông Lê Văn Điền (xã Quới An, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) cũng đã đạt chứng nhận GlobalGap. Sau một thời gian lơ là đầu tư, nghe thông tin xuất khẩu nửa đầu năm rất thuận lợi, ông cũng mong muốn đầu tư lại các chứng nhận chất lượng để xoài bán giá được tốt hơn nữa.

Ông Lê Văn Điền chia sẻ: "Cũng nghe trái xoài này sạch bệnh là xuất khẩu đi được Tây Á, châu Phi, châu Mỹ…".

6 tháng đầu năm nay, 70% sản lượng gạo xuất của Tập đoàn Tân Long vào thị trường Philipines. Nhưng theo đại diện của doanh nghiệp, bắt đầu từ năm nay doanh nghiệp sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa, để tiếp tục chinh phục nhiều thị trường khó tính

Ông Trương Mạnh Linh - Giám đốc Điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long cho hay: "Chúng tôi nhận thấy được sự dịch chuyển của thị trường thế giới dành cho mặt hàng lúa gạo chất lượng cao rất lớn. Đặc biệt là các khu vực châu Âu, Canada, Mỹ... yêu cầu các mặt hàng phải có chứng nhận chất lượng, chứng nhận kiểm dịch và các chứng nhận liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật".

Việc tập trung thay đổi chuyển từ số lượng sang nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ gạo hữu cơ, gạo bổ sung vi chất đã giúp gạo Việt có những lô hàng chạm mức 1.200 USD/tấn.

Ngành nông nghiệp tận dụng các thị trường xuất khẩu

Nhìn vào số liệu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam, 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu sang sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9%; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Như vậy, Trung Quốc đã soán ngôi Hoa Kỳ trở thành khách hàng số 1 các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam và cũng là thị trường lớn duy nhất có được nhịp tăng trưởng dương. Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng cần tập trung trọng điểm. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tận dụng các FTA để khai thác hiệu quả những thị trường mới.

Bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm - Ảnh 3.

Ngành nông nghiệp đang tận dụng các thị trường xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Gần 30 sản phẩm rau, củ, quả chế biến của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xuất sang các thị trường lớn có FTA như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đồng nghĩa với việc tất cả đều phải đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng ưu đãi thuế 0%. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua đã tăng 140% so với cùng kỳ.

Ông Đinh Gia Nghĩa - Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho hay: "Đối với doanh nghiệp xuất khẩu 100% như chúng tôi thì có CO là điều bắt buộc. Thực tế CO đem lại rất nhiều lợi ích, giúp chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Khi chúng ta xuất khẩu theo chính ngạch mà có CO mới làm lớn được".

Còn đối với ngành gạo, không chỉ tập trung giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Phillipines, các doanh nghiệp cũng đang tập trung phát triển các thị trường mới.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thông tin: "Hiện nay chúng ta đang tập trung vào một số thị trường mới ví dụ như tại thị trường EU để tận dụng hiệp định thương mại tự do. Hay một số thị trường có chủng loại gạo đặc thù như Nhật Bản thì chúng ta cũng đang có sự tăng trưởng rất tốt".

Bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử cũng là cách mà nhiều người làm nông nghiệp đang áp dụng, để mở rộng kênh bán, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ trong buổi họp sơ kết ngành nửa đầu năm rằng: Người thành công tìm giải pháp, người thất bại tìm lý do. Ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để kiên định mục tiêu 55 tỷ USD xuất khẩu của năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước