Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo

Khánh Linh-Thứ tư, ngày 05/07/2023 13:35 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ tập trung giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, ngành gạo Việt Nam đang tập trung phát triển các thị trường mới.

Nhìn vào 6 tháng đầu năm nay, Philipines là thị trường xuất khẩu giá trị lớn nhất, chiếm hơn hơn 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Còn Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm 2022. Theo thông tin từ các Thương vụ của Việt Nam tại 2 thị trường trên, nhu cầu gạo từ nay đến cuối năm của Philipines và Trung Quốc còn dư địa khá lớn.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, để tận dụng cơ hội nhu cầu gạo của thị trường quốc tế đang tăng cao, ngoài giữ ổn định tăng trưởng những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philipines, Bộ sẽ tiếp tục khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ, theo đúng tinh thần chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo mới ban hành.

Hàng năm, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Như năm 2022, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Philippines đã đạt trên 1,5 tỷ USD.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, sản phẩm gạo Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, công tác quảng bá vẫn cần được đẩy mạnh hơn từ này đến cuối năm.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo với kim ngạch 5 tỷ USD được dự báo là khả thi khi nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng tăng lượng dự trữ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Các doanh nghiệp trong nước trước hết phải đảm bảo nguồn cung và chất lượng gạo của Việt Nam ổn định. Các doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Philippines để tổ chức, tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến, hoạt động quảng bá sản phẩm gạo của Việt Nam", ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines, cho biết.

Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành gạo Việt Nam. Hết 2 quý đầu năm, sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đã đạt hơn 670.000 tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2022. Hàng năm, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu khoảng 3,5 - 5 triệu tấn gạo với đủ các loại từ gạo thường cho đến gạo cao cấp hay gạo tấm.

"Ngoài hơn 20 doanh nghiệp đã được cấp phép đến nay, phía Trung Quốc cũng chưa bổ sung thêm danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này. Do đó, hải quan Trung Quốc có thể truy xuất sản lượng cũng như hạn mức từng doanh nghiệp. Vì vậy các doanh nghiệp cũng cần lưu ý không xuất quá mức cho phép", ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, thông tin.

Không chỉ tập trung giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, ngành gạo Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các thị trường mới, nhất là tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài ra, các doanh nghiệp và Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục phát triển thêm các thị trường mới để nâng cao sản lượng và giá trị hạt gạo.

"Nhu cầu thế giới dành cho mặt hàng lúa gạo chất lượng cao rất lớn. Đặc biệt là các khu vực châu Âu, Canada, Mỹ... yêu cầu các mặt hàng phải có chứng nhận chất lượng, chứng nhận kiểm dịch và các chứng nhận liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật", ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc Điều hành ngành gạo, Tập đoàn Tân Long, cho hay.

"Hiện nay, chúng ta đang tập trung vào một số thị trường mới, ví dụ như tại thị trường EU để tận dụng hiệp định thương mại tự do. Chúng ta cũng đã có chứng nhận để xuất khẩu gạo thơm, qua đó đã tăng số lượng gạo thơm xuất khẩu vào thị trường này. Hay một số thị trường có chủng loại gạo đặc thù, như Nhật Bản, chúng ta cũng đang có sự tăng trưởng rất là tốt", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.

Việc tập trung thay đổi chuyển từ số lượng sang nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ gạo hữu cơ, gạo bổ sung vi chất đã giúp gạo Việt chạm mức 1.200 USD/tấn. Vì vậy, mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo với kim ngạch 5 tỷ USD được dự báo là khả thi khi nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng tăng lượng dự trữ.

Giữ vững đà tăng xuất khẩu gạo Giữ vững đà tăng xuất khẩu gạo

VTV.vn - Gạo là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng khi trong nửa đầu năm qua đã mang về 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước