Việc mở rộng cơ chế IPO đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải cách thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, việc mở rộng cơ chế IPO của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng tốc độ niêm yết và huy động vốn của các công ty trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách vực dậy nền kinh tế hậu COVID-19.
Tập đoàn công nghệ và khoa học Zhongzhong Science and Technology, có trụ sở tại Thiên Tân, Trung Quốc, là công ty đầu tiên nhận được sự đồng ý của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dựa trên cơ chế đăng ký.
Theo người đứng đầu công ty, hệ thống mới đã làm cho quá trình niêm yết hiệu quả hơn, minh bạch và dễ dự đoán hơn.
"Sau khi niêm yết, việc huy động vốn của công ty để nâng cấp nền tảng và nghiên cứu và phát triển sẽ được đảm bảo đầy đủ. Điều này sẽ giúp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ", bà Ma Bingbing, Chủ tịch công ty Khoa học và Công nghệ Zhongzhong, Trung Quốc, cho biết.
Các nhân viên làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán Bắc Kinh. (Ảnh minh họa - Ảnh: China Daily)
Các chuyên gia cho rằng, 10 dự án IPO khác dựa trên đăng ký cũng đã bắt đầu giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, đánh dấu việc chính thức đại tu hệ thống IPO của Trung Quốc.
Hiện tại, các đợt IPO trên các sàn giao dịch chính - nơi tập trung các cổ phiếu bluechip của Trung Quốc, cần có sự đồng ý của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc theo một hệ thống dựa trên sự chấp thuận và giá IPO ở đó bị giới hạn bởi các cơ quan quản lý.
Theo hệ thống mới, bản thân các sàn giao dịch chứng khoán có thể phê duyệt các công ty niêm yết dựa trên việc nộp thông tin đầy đủ.
Hệ thống IPO dựa trên đăng ký lần đầu tiên được biết đến tại thị trường STAR và tập trung vào nhóm cổ phiếu công nghệ, sau đó hệ thống được triển khai cho hội đồng quản trị khởi nghiệp ChiNext và Sở Giao dịch chứng khoán Bắc Kinh. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết hiện hệ thống này sẽ được mở rộng ra các sàn giao dịch chính ở Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Các công ty sáng tạo đổi mới và các công ty công nghệ sẽ được hưởng nhiều dư địa tăng trưởng hơn theo hệ thống mới.
"Theo thỏa thuận dựa trên đăng ký mới, hiệu quả tài chính của thị trường cổ phiếu hạng A đã được cải thiện đáng kể và các doanh nghiệp chất lượng cao thuộc các ngành, quy mô và mô hình khác nhau đều có thể tìm thấy cơ hội thị trường vốn phù hợp với sự phát triển của họ", ông Ming Ming, nhà kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán CITIC, cho hay.
Măc dù vẫn có một số lo ngại cho rằng cải cách sẽ dẫn đến việc ngày càng có nhiều hơn các công ty niêm yết chất lượng thấp, có khả năng đốt cháy tài khoản các nhà đầu tư, tuy nhiên Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc nhấn mạnh không phải công ty nào cũng có thể niêm yết, vì các ứng cử viên phải đạt đến ngưỡng nhất định và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về công bố thông tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!