Giải mã "hiện tượng" nông nghiệp Sơn La

Duy Trung – Kate Trần-Thứ bảy, ngày 02/11/2024 19:16 GMT+7

VTV.vn - Nói đến câu chuyện về kinh tế nông nghiệp của các địa phương, có lẽ không thể không nhắc đến Sơn La - địa phương được coi là "hiện tượng" của cả nước.

Trong thời gian qua, Sơn La đã có những hướng đi rất mới, rất bài bản và mang tính chất đột phá để từng bước đưa lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp lên một tầm cao mới, qua đó đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.

Từ giống cây trồng trên đất dốc… 

Song song với nhiệm vụ thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu, cả hệ thống chính trị Sơn La đã cùng vào cuộc, góp sức với cộng đồng doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường cho nông sản, đặc biệt là cây ăn quả. Sơn La sẽ tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu, cấp mới và duy trì mã số vùng trồng, liên kết chuỗi, bởi đó chính là "hộ chiếu" để nông sản của tỉnh Sơn La đi ra thế giới.

Chia sẻ với phóng viên VTV Times, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - tư lệnh số một về lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Sơn La tự hào: "Nông nghiệp Sơn La đã có những bước đột phá, đáng ghi nhận". Và câu chuyện bắt đầu từ năm 2015, bằng những giống cây trồng đã được Bộ NN & PTNT, các bộ, ngành giúp Sơn La nghiên cứu giống, phát triển giống và tạo ra những cây trồng ổn định. Từ đó, Sơn La đã có được bài học trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. 

Cùng thời điểm đó, với sự quyết tâm cao độ của Ban lãnh đạo tỉnh Sơn La và được thể hiện bằng kết luận 121 - phát triển cây trồng trên đất dốc. Trong đó, trực tiếp là cây ăn quả, để chuyển đổi những cây ngắn ngày, lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; Tập trung phát triển các cây công nghiệp hiện có của tỉnh với quy mô ổn định, song song cùng với cây ăn quả. 

Giải mã hiện tượng nông nghiệp Sơn La - Ảnh 2.

Sơn La phát triển thành công cây trồng trên đất dốc.

Từ đó đến nay, Sơn La đã có 83.000ha cây ăn quả, 22.000ha cây cây cà phê arabica, 10.000ha cây mía, 42.000ha cây sắn và các sản phẩm cây trồng khác trên địa bàn tỉnh. Từ quy mô sản xuất ổn định đó, Sơn La đi theo hướng mở rộng, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa được sản xuất lớn, gắn với đó là thị trường lớn. Do đó, tỉnh Sơn La đã tập trung phát triển chuỗi sản xuất cho cây ăn quả. 

Sơn La đã phát triển rất tốt các giống như: xoài, nhãn, bơ, thanh long, mận hậu… Đồng thời phát triển thêm các giống mới như: dâu tây, vú sữa hoàng kim... Gắn với đó là quảng bá giới thiệu các sản phẩm theo chiều sâu. Tỉnh đẩy mạnh quảng bá giới thiệu xúc tiến các sản phẩm thương mại, tham gia nhiều chương trình xúc tiến sản phẩm của Bộ Công thương tại thị trường trong và nước ngoài, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, đưa sản phẩm lên các chuyến bay quốc tế, đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ, tổ chức các tuần hàng, tuần lễ nông sản trên địa bàn cả nước..."Thông qua đó, Sơn La đã quảng bá giới thiệu được các sản phẩm thế mạnh của mình. Chúng tôi cũng rút ra được các kinh nghiệm, bài học để ngày càng tổ chức sản xuất tốt hơn, đưa ra được những sản phẩm chất lượng tốt nhất đáp ứng thị hiếu, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng", ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Giải mã hiện tượng nông nghiệp Sơn La - Ảnh 3.

Tính đến thời điểm hiện, nông sản - trái cây của Sơn La đã đến với 21 nước và vùng lãnh thổ.

Đến nay, nhiều sản phẩm của Sơn La đã đáp ứng tiêu chuẩn của nước ngoài, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của đối thủ quốc tế. Nhiều trái cây của Sơn La có mặt tại nhiều thị trường lớn, như trái mận sang Pháp, Hà Lan...; xoài sang thị trường Mỹ. Tính đến thời điểm hiện, nông sản - trái cây của Sơn La đã đến với 21 nước và vùng lãnh thổ. 

Một câu chuyện khác là về sản phẩm cà phê arabica đặc trưng. Sơn La đã tập trung để đưa sản phẩm này phát triển với tỷ trọng khoảng hơn 40% của Việt Nam. Sơn La hướng đến các sản phẩm chế biến sâu và xây dựng các sản phẩm OCOP như: cà phê Bích Thao đạt 5 sao sản phẩm OCOP, đưa dây chuyền trà Cascara chế biến từ vỏ quả cà phê chín ra trà và sản phẩm trà Cascara được thị trường Mỹ và châu Âu rất ưa chuộng. 

Bên cạnh đó, các cây công nghiệp khác như chè, tinh bột sắn, mía đường của Sơn La đều được tập trung phát triển vùng sản xuất. Tới đây Sơn La cho phát triển các nhà máy chế biến tinh bột sắn, chế biến bột tuyến tính, các nhà máy chế biến rau, 

Thực tế cho thấy, một trong những giải pháp mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La, đó là tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với phát triển du lịch. 

Sơn La đã làm được các vùng sản phẩm đặc trưng như vùng mận Nà Ca, vùng mơ, các vùng sản xuất của Mộc Châu… Ngay từ khi cây ra lá, trổ bông đã thu hút du khách trải nghiệm khung cảnh bát ngát với hoa mận, hoa mơ… Ngoài việc phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch canh nông thì còn phải gắn với các ứng dụng khoa học công nghệ cao, nâng cao chất lượng của hệ thống thương mại điện tử.

Thu hút đầu tư về chế biến

 Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, trong nhiều năm qua, tỉnh Sơn La luôn tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, có giá trị kinh tế cao, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. 

Theo đó, giai đoạn đầu, Sơn La đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất, như: nhãn, xoài, mận, chanh leo, bơ, hồng giòn, cam, bưởi... "Khi đã có vùng sản xuất tốt và cho ra những sản phẩm nông sản chất lượng, qua nghiên cứu thị trường để nắm bắt xu hướng, Sơn La nhận thức rõ nếu không thực hiện quy trình sản xuất sạch, thì sản phẩm sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu và nhu cầu thị hiếu của thị trường. Do vậy, chúng tôi đã đi sâu vào sản xuất sạch và nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Công chia sẻ.

Đồng thời, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sản xuất, Sơn La rất chú ý xây dựng vùng trồng thuần, vùng sản xuất tập trung từng loại cây trồng và quản lý về quy trình sản xuất, vùng trồng đáp ứng được các tiêu chuẩn; tạo vùng, quản lý vùng, quy hoạch vùng trồng và đưa vào giám sát là những vấn đề rất quan trọng cho cây trồng. 

Đặc biệt, xác định muốn tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và triệt tiêu vấn đề dư thừa sản phẩm, tình trạng "được mùa mất giá" khi bị ép giá, Sơn La đã tìm kiếm và thực hiện nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo bằng mọi giải pháp phải thu hút được các nhà máy chế biến lớn. Tính đến nay đã có rất nhiều nhà máy như Nhà máy phân bón Sông Lam, Nhà máy cà phê Sông Lam, Trung tâm chế biến rau quả DOVECO với các sản phẩm từ đậu tương, rau chân vịt, ngô ngọt, xoài, chanh leo… Từ những hệ thống nhà máy chế biến này, Sơn La đã tiêu thụ cơ bản hết những sản phẩm nông sản trong các niên vụ, giải quyết bài toán thời vụ và sản lượng. "Công nghiệp chế biến sẽ góp phần giải bài toán mùa vụ và quan trọng hơn là tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, xây dựng chuỗi sản xuất bền vững. Năm 2024, Sơn La tiếp tục đưa các sản phẩm vào chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm OCOP, qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững...", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Không dừng lại ở đó, tới đây, với mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, tỉnh này sẽ tiếp tục thu hút các nhà máy chế biến hoa quả sấy, tinh bột sắn; nâng cấp để sản xuất sản phẩm đường và chuỗi liên kết sản xuất với các hộ nông dân... "Sơn La kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương xây dựng cơ chế liên kết vùng. Điều này sẽ góp phần rất quan trọng cho phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Bởi nếu nhà máy được đặt ở Sơn La mà có thể dùng nguyên liệu của Điện Biên, Lai Châu thì nhà máy đó sẽ phát triển rất ổn định và sẽ tạo ra đòn bẩy rất tốt cho các vùng ở Tây Bắc", ông Công kiến nghị.

Nỗ lực xuất khẩu cán đích 186 triệu USD trong năm 2024

Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 196,1 triệu USD, tăng 5% so với năm trước. Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 186,8 triệu USD, tăng gần 5,2%.

Riêng với trái cây, với 84.160ha trái cây năm 2024, Sơn La xác định rất rõ: nhãn, xoài, mận, thanh long, sơn tra… là những sản phẩm chủ lực để hỗ trợ cho tiêu thụ, hỗ trợ cho chế biến và xuất khẩu. Theo thống kê, tỉnh Sơn La hiện đang duy trì gần 220 mã số vùng trồng và 10 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 211 mã số xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ… diện tích hơn 3.000ha. Đồng thời đã thực hiện cấp nhãn hiệu chứng nhận một loạt sản phẩm đặc trưng như: nhãn Sông Mã, nhãn Sơn La, dứa Sơn La, xoài Sơn La, thanh long Sơn La, mận Sơn La…/.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước