Thực tế, những quy định về tranh chấp chung cư không phải không có nhưng tại sao nhiều vụ tranh chấp vẫn xảy ra dai dẳng?
Những người dân ở chung cư cao cấp Star City, Hà Nội ví von tòa nhà của mình như một tấm áo rách không được vá. Thang máy cũng thường xuyên tậm tịt vì không có kinh phí sửa sữa. Trong khi đó, theo ban quản trị, số tiền kinh phí bảo trì chủ đầu tư đang giữ của cư dân ước tính khoảng 30 tỷ đồng chưa được trao trả. Ban quản trị liên tục đi đòi khoản tiền này nhưng bất thành.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tranh chấp liên quan đến phí bảo trì là 36%, chiếm tỷ lệ gần như nhiều nhất trong các dạng tranh chấp chung cư hiện nay.
Theo quy định, nếu chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì cho cư dân, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, đây sẽ là việc của thành phố, còn cấp phường và quận chỉ có nhiệm vụ đôn đốc nên quy trình thực hiện vẫn cứ luẩn quẩn.
Trong khi đó, cơ quan có chức năng tham mưu cho thành phố các vấn đề liên quan tới chung cư là Sở Xây dựng lại cho biết, thành phố khó thực hiện việc cưỡng chế các chủ đầu tư bởi cản trở từ phía các ngân hàng.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận khâu thực hiện các quy định pháp luật về chung cư hiện đang có vấn đề.
Từ một vài tòa, hiện nay, số lượng chung cư tại riêng Hà Nội và TP.HCM đã lên tới hàng nghìn. Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp xử lý triệt để các tranh chấp, có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường nhà ở này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!